Rối loạn nhân cách ái kỷ là gì? Dấu hiệu và cách điều trị

Cụm từ “rối loạn nhân cách ái kỷ” luôn là một chủ đề bàn tán sôi nổi và phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội. vì nhiều lý do mà vẫn có nhiều người nhầm lẫn rối loạn nhân cách ái kỷ chính là yêu bản thân. Tuy nhiên, dấu hiệu của rối loạn nhân cách ái kỷ bao hàm nhiều hành vi hơn thế.

Trong bài viết này, bạn cùng Soften Mind biết tất tần tật thông tin về rối loạn nhân cách ái kỷ nhé!

Rối loạn nhân cách ái kỷ là gì?

Rối loạn nhân cách ái kỷ (tiếng Anh: viết tắt của Narcissistic Personality Disorder + NDP) là một rối loạn tâm thần có đặc trưng là tính “tự cao tự đại”, họ luôn có nhu cầu được ngưỡng mộ và thiếu sự đồng cảm với người khác. 

Những người mắc NPD có thể phóng đại thành tích và tài năng của họ, họ có thể cảm thấy bản thân có quyền được đối xử đặc biệt. Họ thường có lòng tự trọng mong manh và dễ bị tổn thương trước những lời chỉ trích hoặc từ chối.

Rối loạn nhân cách ái kỷ có phải là yêu bản thân?

Rối loạn nhân cách ái kỷ KHÔNG PHẢI là yêu bản thân. Yêu bản thân bao gồm góc nhìn cân bằng, tích cực về bản thân, song hành với sự đồng cảm, tôn trọng người khác và các mối quan hệ lành mạnh. Mặt khác, rối loạn nhân cách ái kỷ được đặc trưng bởi sự coi trọng bản thân quá mức, thiếu sự đồng cảm và tập trung vào việc tự đề cao bản thân trước sự tổn hại của người khác.

Việc yêu bản thân là vô cùng cần thiết. Bởi đặc tính này mang lại sự tự tin cho một người để tạo dựng các mối quan hệ lành mạnh, khám phá cuộc sống và chấp nhận rủi ro.

Tuy nhiên, một người “yêu bản thân” sẽ có nguy cơ cao trở thành một người “rối loạn nhân cách ái kỷ” khi sự yêu bản thân trở nên cực đoan quá mức và dẫn đến cảm giác ưu việt hơn người khác. Họ bắt đầu cảm thấy tầm quan trọng của bản thân rất cao, tỏ ra thiếu sự đồng cảm và thường lợi dụng người khác để trục lợi. 

Rối loạn nhân cách ái kỷ là khi tính tự ái vượt ngưỡng và rối loạn

Triệu chứng của rối loạn nhân cách ái kỷ

Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, phiên bản thứ 5 (DSM-5) các triệu chứng, dấu hiệu của rối loạn nhân cách ái kỷ bao gồm:

  • Thiếu sự đồng cảm.
  • Đòi hỏi sự ngưỡng mộ quá mức.
  • Thể hiện những hành vi hoặc thái độ kiêu căng, ngạo mạn.
  • Bóc lột người khác (lợi dụng người khác để đạt được mục đích của mình).
  • Thường ghen tị với người khác hoặc tin rằng người khác ghen tị với mình.
  • Bị bận tâm bởi những tưởng tượng về sự thành công, quyền lực, sự thông minh, sắc đẹp hay tình yêu lý tưởng không giới hạn.
  • Cảm giác vĩ đại về tầm quan trọng của bản thân (ví dụ: phóng đại thành tích và tài năng, mong muốn được công nhận bởi cấp trên mà không có thành tích tương xứng).
  • Niềm tin rằng một người là đặc biệt và chỉ có thể được hiểu hoặc kết nối với những người (hoặc tổ chức) đặc biệt.
  • Đòi hỏi đặc quyền (tức là có những kỳ vọng vô lý về việc được đối xử đặc biệt thuận lợi hoặc phù hợp với những kỳ vọng của bản thân).

Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, một người phải có ít nhất 5 triệu chứng nêu trên mới có thể được chẩn đoán mắc “rối loạn nhân cách ái kỷ”.

Xem thêm: Thái nhân cách là gì? 8 dấu hiệu của người thái nhân cách

Các dạng rối loạn nhân cách ái kỷ khác nhau

Có 2 loại rối loạn nhân cách ái kỷ:

  1. Tự ái vĩ đại (Overt Grandiose Narcissism): Đặc trưng bởi tính hướng ngoại; sự tự tin; khoe khoang và kiêu ngạo; đòi hỏi đặc quyền và thiếu sự đồng cảm với người khác. Kiểu người ái kỷ này thường có kỹ năng xã hội tốt và làm việc chăm chỉ vì họ khao khát thành công mãnh liệt. Họ có thể bị ám ảnh bởi sự giàu có, quyền lực và tập trung vào việc làm cho người khác thích mình.
  2. Tự ái dễ bị tổn thương (Covert Vulnerable Narcissism): Đặc trưng bởi tính hướng nội; độ nhạy cảm cao; luôn cảm thấy thiếu thốn; cảm xúc tiêu cực; nhu cầu được công nhận và trấn an liên tục. Kiểu người ái kỷ này thường sợ bị chỉ trích hoặc thậm chí có thể tỏ ra hoảng sợ khi bị chỉ trích. Những đặc điểm này thường khiến nhóm người Tự ái Dễ bị tổn thương kém thành công hơn so với nhóm trên, nhưng họ vẫn tưởng tượng mình có thành tích ấn tượng hoặc địa vị cao. 

Tuy vậy, điểm chung giữa hai nhóm này là luôn tự đề cao bản thân, thiếu sự đồng cảm cùng với niềm tin rằng suy nghĩ và hành động của họ khác biệt và ấn tượng hơn so với những người khác. 

Dấu hiệu chung của người ái kỷ là luôn tự đề cao bản thân, thiếu sự đồng cảm với người khác

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách ái kỷ

Các nhà nghiên cứu chưa thật sự tìm được chính xác nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách ái kỷ, các nhà khoa học cho rằng có hai yếu tố làm gia tăng nguy cơ chính là yếu tố di truyền và môi trường. Nhiều nghiên cứu về các cặp song sinh đã phát hiện ra rằng các gen có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của NPD (Cain et al., 2008).

Bên cạnh gen, nhiều nghiên cứu cho thấy yếu tố môi trường như cách nuôi dạy con, môi trường văn hoá xã hội cũng ảnh hưởng đến tiến trình phát triển rối loạn nhân cách ái kỷ. 

Ở khía cạnh giáo dục trong gia đình, nghiên cứu của Brazier năm 2020 chứng minh sự kỳ vọng quá cao từ cha mẹ, trải nghiệm gây tổn thương, bị từ chối và sự bỏ bê không chăm sóc từ bé có thể là nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách ái kỷ. Ngoài ra, căng thẳng kéo dài cũng có thể làm trầm trọng các triệu chứng của NPD. 

Về môi trường hoặc bối cảnh xã hội, rối loạn nhân cách ái kỷ có thể chiếm mức độ cao hơn trong các nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân so với các nền văn hóa tập thể và các môi trường cạnh tranh như New York nhiều hơn các môi trường không cạnh tranh như Iowa (một tiểu bang thuộc miền Trung Tây Hoa Kỳ).

Xem thêm: Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là gì?

Cách điều trị rối loạn nhân cách ái kỷ là gì?

Những người bị rối loạn nhân cách ái kỷ thường khó tìm đến việc điều trị vì họ không tin rằng họ có vấn đề. Tuy nhiên, có một số liệu pháp trị liệu NDP sẽ giúp triệu chứng người mắc rối loạn này thuyên giảm theo thời gian.

Liệu pháp tâm lý tập trung vào chuyển giao

Transference-focused psychotherapy – TFP có thể là lựa chọn tuyệt vời cho người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ (Tartakovsky, 2017). Đây là một kiệu pháp tâm động học tập trung vào các quá trình vô thức được biểu hiện qua hành vi hiện tại của một người (Cơ quan Quản lý Lạm dụng Chất gây nghiện và Sức khỏe Tâm thần, 1999, trang 1). TFP cũng tập trung vào mối quan hệ giữa nhà tâm lý lâm sàng và thân chủ; mối quan hệ của thân chủ với thế giới bên ngoài.

Liệu pháp tập trung vào lược đồ

Đây là một lựa chọn khác của người bị rối loạn nhân cách ái kỷ (Tartakovsky, 2017). Liệu pháp này kết hợp liệu pháp tâm động học với liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), đây là “một phương pháp điều trị tâm lý trị liệu có mục tiêu, ngắn hạn” với mục tiêu là “thay đổi mô hình suy nghĩ hoặc hành vi đằng sau những khó khăn của một người, và từ đó thay đổi cách họ cảm nhận” (Martin, 2016, tr.1).

Tìm hiểu thêm: Rối loạn đa nhân cách là gì? 

Làm thế nào để đối phó với người có rối loạn nhân cách ái kỷ?

Nếu bạn có mối quan hệ với người bị rối loạn nhân cách ái kỷ, bạn hẳn sẽ trải qua nhiều khó khăn. Sau đây là một số bước cần làm khi tương tác với người mắc NPD.

  • Tránh có tương tác tiêu cực: Một trong những bước đầu tiên để đối phó với người bị RLNC ái kỷ là tránh có bất kỳ tương tác đặc biệt tiêu cực nào với người đó (Clarke, 2020). Điều này có thể khó khăn do người mắc NDP thiếu sự đồng cảm, ý thức về quyền lợi, hành vi thao túng của chính mình.
  • Thiết lập ranh giới rõ ràng: Những người bị NPD thường không có ranh giới lành mạnh (Kacel và cộng sự, 2017). Việc thiết lập ranh giới có thể khá khó khăn, đặc biệt nếu người bị rối loạn nhân cách ái kỷ là người thân cận với bạn; nhưng bạn vẫn cần làm điều này để giúp những người mắc NPD hiểu rằng người khác đều có những giá trị cá nhân mạnh mẽ.
  • Chăm sóc bản thân tốt hơn: Bạn hãy thử tập yoga, thiền, ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi hoặc làm những việc mình thích. Điều quan trọng là phải chăm sóc bản thân trước khi có thể chăm sóc người khác.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ nếu cần: Nếu mối quan hệ trở nên quá căng thẳng đến mức không thể tự quản lý được, bạn hãy đi tìm kiếm sự giúp đỡ. Tâm lý trị liệu có thể giúp bạn thiết lập và duy trì ranh giới, quản lý căng thẳng và cảm thấy được công nhận.

Nếu không có bước nào nêu trên hiệu quả, lựa chọn cuối cùng là chấm dứt mối quan hệ. Đây có thể là một bước đặc biệt quan trọng nếu mối quan hệ trở nên không lành mạnh hoặc có dấu hiệu lạm dụng. Nếu cần, việc bạn lùi lại một bước có thể là lựa chọn tốt nhất.

Nguồn tham khảo:

1. Narcissistic Personality Disorder
https://www.psychologytoday.com/us/conditions/narcissistic-personality-disorder
Ngày truy cập: 23.11.2023

2. Narcissistic Personality Disorder (NPD): Symptoms & Treatment
https://www.simplypsychology.org/narcissistic-personality-disorder.html
Ngày truy cập: 23.11.2023

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top