Rối loạn nhân cách ranh giới là gì?
Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder – BPD) là một dạng rối loạn sức khỏe tâm thần. Những rối loạn này sẽ ảnh hưởng đến cách người bệnh suy nghĩ cũng như cảm nhận về bản thân và những người khác.
Người mắc BPD sẽ gặp những vấn đề trong việc kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình. Bên cạnh đó, họ thường có những mối quan hệ xã hội không ổn định.
9 dấu hiệu của rối loạn nhân cách ranh giới
BPD là một căn bệnh khá phức tạp để chẩn đoán. Các triệu chứng của nó tương đối giống với những rối loạn tâm lý khác như : rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách ái kỷ, rối loạn nhân cách kịch tính,…
Để được chẩn đoán là mắc BPD, người bệnh thường có hơn 5 trong số 9 triệu chứng được liệt kê dưới đây:
1. Nỗi sợ bị bỏ rơi
Những người mắc BPD thường gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ lành mạnh. Lý do dẫn đến việc này là bởi họ rất nhạy cảm với sự bỏ rơi.
Vì nỗi sợ này rất lớn, người mắc BPD cần người khác liên tục trấn an rằng họ sẽ không bị ruồng bỏ. Họ sẽ tìm cách giữ đối phương lại nếu người kia muốn rời đi.
Tuy nhiên, việc này vô tình có thể đẩy đối phương ra xa hơn, khiến người bệnh càng muốn hủy hoại bản thân.
2. Mối quan hệ bất ổn định
BPD thường gắn liền với những mối quan hệ căng thẳng và dữ dội, dẫn đến sự tách ly (splitting). Đây là giai đoạn nằm giữa sự ‘lý tưởng hóa’ (idealization) và sự ‘suy giảm giá trị’ (devaluation).
Người mắc BPD thường bắt đầu mối quan hệ trong giai đoạn lý tưởng hoá. Họ kết nối sâu sắc và cảm thấy tích cực về đối phương. Nhưng khi giai đoạn ‘suy giảm giá trị’ bắt đầu, người mắc BPD cảm thấy đối phương thô lỗ, thờ ơ và dần trở nên xa cách.
Trên thực tế, người mắc BPD thường cảm thấy thất vọng hoặc chán ghét những người họ quý mến. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc nhận biết cảm xúc hoặc thấu cảm với người khác.
3. Suy yếu nhận dạng
Thông thường, ý thức về bản thân của người bệnh BPD không ổn định. Họ thường cảm thấy không chắc chắn về sự tồn tại và vai trò của mình.
Họ thay đổi bản tính tùy thuộc vào hoàn cảnh và những gì họ nghĩ người khác muốn ở mình.
4. Hành vi bốc đồng
Người bệnh BPD thường có những hành vi bốc đồng (impulsive behaviors) như:
- Ăn chơi
- Quan hệ tình dục bừa bãi
- Lái xe không an toàn
- Lạm dụng chất kích thích hoặc cồn
- Ăn uống vô độ
- Vi phạm pháp luật (Ăn cắp vặt, v.v.)
Những hành vi này dẫn đến các vấn đề trong mối quan hệ, sức khỏe, hoặc pháp lý.
5. Hành vi tự hại hoặc tự tử
Người mắc BPD thường có những hành vi tự ngược đãi. Hành vi này là sự nỗ lực nhằm thoát khỏi cảm xúc đau khổ hoặc khó chịu của bản thân.
Ngoài ra, người bệnh BPD có thể đe doạ tự tử và cố gắng thực hiện nó. Và ý định này của họ là nghiêm túc. Nghiên cứu cho thấy khoảng 70% những người bệnh BPD sẽ ít nhất một lần cố gắng tự tử trong đời.
6. Sự bất ổn định trong cảm xúc
Người bị rối loạn nhân cách ranh giới có xu hướng thay đổi tâm trạng dữ dội và thường xuyên. Họ có thể chuyển từ cảm xúc hài lòng đến buồn bã trong phút chốc.
Cảm xúc cực đoan trước những tình huống thường ngày có thể kéo dài trong nhiều giờ.
7. Cảm giác trống rỗng
Người mắc chứng BPD cũng trải qua cảm giác trống rỗng. Cảm giác cuộc sống không còn giá trị dẫn đến hành vi bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ để thu hút sự chú ý.
8. Sự tức giận dữ dội và hành vi gây hấn
BPD có thể khiến người bệnh phản ứng dữ dội đến mức cực đoan, trước một sự kiện nhỏ hoặc không quan trọng đối với người khác.
Hành động nóng nảy, những lời bình luận mỉa mai, hành vi bạo lực đối với người khác là dấu hiệu phổ biến của rối loạn này.
9. Trạng thái phân ly liên quan đến căng thẳng
Khoảng 75% – 80% bệnh nhân BPD trải qua những trạng thái phân ly liên quan đến căng thẳng, từ giải thể nhân cách (depersonalization), tri giác sai tại (derealization), chứng mất cảm giác đau (analgesia) đến tê liệt cảm xúc (emotional numbing).
Các triệu chứng phân ly này ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân, một phần vì nó tác động lên khả năng học và ghi nhớ cảm xúc.
Nguyên nhân mắc rối loạn nhân cách ranh giới
Nguyên nhân cụ thể dẫn đến rối loạn nhân cách ranh giới vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra một số nhân tố rủi ro (risk factor) có thể dẫn đến BPD như sau:
- Cấu trúc não bộ: Não bộ của những người bệnh BPD khác biệt trong cấu trúc và chức năng. BPD có liên quan đến việc hoạt động quá mức trong các bộ phận của não bộ phụ trách kiểm soát trải nghiệm và thể hiện cảm xúc.
- Di truyền học: Nếu có người thân trong gia đình mắc BPD, tỉ lệ phát triển những triệu chứng liên quan cũng cao hơn.
- Trải nghiệm tiêu cực: Những người được chẩn đoán mắc BPD thường bị lạm dụng, trải qua những sang chấn tâm lý hoặc bị bỏ rơi khi còn nhỏ.
Điều trị bệnh rối loạn nhân cách ranh giới
Rối loạn nhân cách ranh giới có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý kèm với thuốc. Thông thường, việc điều trị đòi hỏi sự cam kết cao của cả bệnh nhân và bác sĩ. Theo một số nghiên cứu, tâm lý trị liệu có thể làm giảm một số triệu chứng và tác động tiêu cực của bệnh. Những liệu pháp điều trị rối loạn nhân cách ranh giới bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi: giúp làm giảm sự thay đổi quá mức của tâm trạng, giúp người bệnh xác định giá trị của họ và điều chỉnh các vấn đề khi họ tương tác với những người khác
- Liệu pháp hành vi biện chứng: chú ý đến tình huống hiện tại, điều chỉnh cảm xúc, hành vi và sự cân bằng trong các mối quan hệ xã hội
- Liệu pháp tập trung giản đồ: tập trung vào cách mọi người nhìn nhận chính mình, đây là yếu tố ảnh hưởng đến cách họ phản ứng với môi trường và đối mặt với căng thẳng.
Một số loại thuốc cũng được sử dụng để điều trị rối loạn nhân cách ranh giới, giúp làm giảm các triệu chứng như lo âu, trầm cảm và gây hấn. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần kết hợp thuốc với các phương pháp tâm lý trị liệu để đem lại hiệu quả điều trị cao hơn. Ngoài ra, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ, nên bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Lời kết
Đối với người mắc BPD, sự hỗ trợ từ người thân và các biện pháp trị liệu chuyên nghiệp rất quan trọng trong quá trình phục hồi .
Bài viết hay quá