Ngôn ngữ cơ thể là các tín hiệu phi ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng để giao tiếp. Theo các chuyên gia, những tín hiệu phi ngôn ngữ này chiếm một phần lớn trong giao tiếp hàng ngày của con người.
Từ nét mặt đến chuyển động cơ thể, dù ta không nói bằng lời cũng vẫn có thể truyền tải được một khối lượng thông tin.
Các nhà khoa học chỉ ra ngôn ngữ cơ thể có thể chiếm từ 60 đến 65% trong tổng số các hoạt động giao tiếp.
Hiểu ngôn ngữ cơ thể khá quan trọng, nhưng bạn cũng cần lưu ý đến các dấu hiệu khác như ngữ cảnh giao tiếp. Trong nhiều trường hợp, bạn nên xem xét các tín hiệu theo một nhóm hơn là chỉ tập trung chú ý vào một hành động duy nhất.
Biểu cảm khuôn mặt
Hãy suy nghĩ một chút về mức độ thông tin mà một người có thể truyền đạt chỉ bằng một biểu cảm trên khuôn mặt. Một nụ cười có thể biểu thị sự tán thành hoặc hạnh phúc. Một cái cau mày có thể báo hiệu sự không đồng tình hoặc không vui.
Trong một số trường hợp, nét mặt của chúng ta có thể tiết lộ cảm xúc thực sự của chúng ta về một tình huống cụ thể. Mặc dù bạn nói rằng bạn đang cảm thấy ổn, nhưng vẻ mặt của bạn có thể cho mọi người biết điều khác.
Một số ví dụ về cảm xúc có thể được thể hiện thông qua nét mặt bao gồm:
- Niềm hạnh phúc
- Sự sầu não
- Sự tức giận
- Bất ngờ
- Ghê tởm
- Sợ hãi
- Sự hoang mang
- Phấn khích
- Khao khát
- Khinh thường
Biểu cảm khuôn mặt của một người thậm chí có thể giúp xác định xem chúng ta có nên tin tưởng hay không vào những gì người đó đang nói.
Một nghiên cứu cho thấy rằng biểu cảm khuôn mặt đáng tin cậy nhất bao gồm: hơi nhướng mày và mỉm cười nhẹ. Các nhà nghiên cứu cho rằng những biểu cảm này truyền tải cả sự thân thiện và sự tự tin.
Biểu cảm khuôn mặt là một trong những nhóm ngôn ngữ cơ thể phổ biến nhất. Các biểu cảm được sử dụng để truyền đạt nỗi sợ hãi, tức giận, buồn bã và hạnh phúc của tất cả mọi người trên thế giới đều tương đối giống nhau.
Nhà nghiên cứu Paul Ekman đã tìm thấy bằng chứng ủng hộ rằng một loạt các biểu cảm khuôn mặt gắn liền với những cảm xúc cụ thể bao gồm vui mừng, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên và buồn bã là tương đồng ở mọi người.
Nghiên cứu thậm chí còn gợi ý rằng chúng ta nên đánh giá trí tuệ của con người dựa trên khuôn mặt và biểu cảm của họ.
Một nghiên cứu cho thấy những người có khuôn mặt nhỏ hẹp hơn và mũi cao hơn thường được coi là người thông minh hơn. Những người có biểu cảm tươi cười, vui vẻ cũng được đánh giá là thông minh hơn những người có biểu cảm giận dữ.
Đôi mắt
Đôi mắt thường được coi là “cửa sổ tâm hồn” vì chúng có khả năng tiết lộ rất nhiều điều một người đang cảm nhận hoặc suy nghĩ.
Khi bạn trò chuyện với một người, hãy lưu ý đến chuyển động của mắt như một phần tự nhiên và quan trọng của quá trình giao tiếp.
Một số điều phổ biến mà bạn có thể nhận thấy bao gồm việc một người đang giao tiếp bằng mắt trực tiếp hay đang đảo mắt liên tục sang hướng khác, họ chớp mắt bao nhiêu hoặc đồng tử của họ có giãn ra hay không.
Khi đánh giá ngôn ngữ cơ thể, hãy chú ý đến các tín hiệu mắt sau đây.
Nhìn chằm chằm vào mắt
Khi một người nhìn thẳng vào mắt bạn trong khi trò chuyện, điều đó cho thấy họ đang có sự quan tâm và chú ý. Tuy nhiên, giao tiếp bằng mắt trong thời gian dài có thể khiến bạn cảm thấy mình đang bị đe dọa.
Mặt khác, việc cắt đứt giao tiếp bằng mắt và thường xuyên nhìn đi chỗ khác có thể cho thấy người đó đang bị phân tâm, không thoải mái hoặc đang cố gắng che giấu cảm xúc thực của mình.
Chớp mắt
Chớp mắt là điều tự nhiên, nhưng bạn cũng nên chú ý xem một người có đang chớp mắt quá nhiều hay quá ít không.
Mọi người thường chớp mắt nhanh hơn khi họ cảm thấy đau khổ hoặc khó chịu. Nháy mắt không thường xuyên có thể cho thấy một người đang cố tình kiểm soát chuyển động mắt của mình.
Ví dụ, một người chơi poker có thể chớp mắt ít thường xuyên hơn bởi vì anh ta cố tình tỏ ra không hào hứng với những lá bài mà anh ta được chia.
Kích thước đồng tử
Kích thước đồng tử có thể là một tín hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ rất tinh tế. Trong khi mức độ ánh sáng trong môi trường kiểm soát sự giãn nở của đồng tử, đôi khi cảm xúc cũng có thể gây ra những thay đổi nhỏ về kích thước đồng tử.
Ví dụ, bạn có thể đã nghe thấy cụm từ “ánh mắt mời gọi lên giường” được sử dụng để mô tả ánh mắt của một người nào đó khi họ bị thu hút bởi một người khác. Ví dụ, đồng tử giãn ra nhiều có thể cho thấy một người đang quan tâm hoặc thậm chí là đang bị kích thích.
Miệng
Biểu cảm và cử động miệng cũng có thể rất cần thiết khi đọc vị ngôn ngữ cơ thể. Ví dụ, việc cắn môi dưới có thể cho thấy người đó đang trải qua cảm giác lo lắng, sợ hãi hoặc bất an.
Che miệng có thể là việc cố tỏ ra lịch sự nếu người đó đang ngáp hoặc ho, nhưng cũng có thể là việc cố để che đi một cái cau mày tỏ ý không tán thành.
Mỉm cười có lẽ là một trong những tín hiệu ngôn ngữ cơ thể tuyệt vời nhất, nhưng nụ cười cũng có thể được hiểu theo nhiều cách.
Một nụ cười có thể chân thật, hoặc nó có thể được sử dụng để thể hiện niềm hạnh phúc giả tạo, sự mỉa mai, hoặc thậm chí là giễu cợt.
Khi đánh giá ngôn ngữ cơ thể, hãy chú ý đến các tín hiệu miệng và môi sau:
- Mím môi. Môi mím chặt có thể là dấu hiệu của sự chán ghét, không tán thành hoặc không tin tưởng.
- Cắn môi. Mọi người đôi khi có thể cắn môi khi họ lo lắng, bồn chồn hoặc căng thẳng.
- Che miệng. Khi muốn che giấu phản ứng cảm xúc, họ có thể che miệng để tránh biểu lộ nụ cười hoặc cái nhếch mép.
- Cong lên hoặc xuống. Những thay đổi nhẹ về khuôn miệng cũng có thể là dấu hiệu tinh tế cho thấy một người đang cảm thấy gì. Khi miệng hơi nhếch lên, điều đó có nghĩa là người đó đang cảm thấy vui vẻ hoặc lạc quan. Mặt khác, miệng hơi cụp xuống có thể là dấu hiệu của sự buồn bã, không bằng lòng hoặc thậm chí là nhăn nhó triệt để.