Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là gì?

1. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là gì?

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (tiếng Anh: antisocial personality disorder – ASPD) là một rối loạn nhân cách khiến một người không quan tâm đến phải trái, phớt lờ quyền lợi cũng như cảm xúc của người khác.

Người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường cố ý khiến người khác tức giận hoặc khó chịu; họ cũng có xu hướng thao túng, đối xử một cách khắc nghiệt hoặc thờ ơ đến tàn nhẫn. Và kể cả khi người bị ASPD làm tất cả những điều tồi tệ với người khác, họ không tỏ ra hối hận hay thấy tội lỗi với hành động của mình.

Người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường vi phạm pháp luật, có nguy cơ trở thành tội phạm. Họ có thể nói dối, cư xử bạo lực hoặc bốc đồng và lạm dụng chất kích thích và rượu. Họ gặp khó khăn trong việc đảm bảo trách nhiệm liên quan đến gia đình, công việc hoặc trường học.

rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường có xu hướng thao túng tâm lý người khác

2. Dấu hiệu rối loạn nhân cách chống đối xã hội là gì?

Rối loạn này thường dễ bị nhầm lẫn với thái nhân cách, một người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể có những biểu hiện như sau:

  • Khó kiểm soát cơn tức giận của mình.
  • Lợi dụng, thao túng, vi phạm quyền lợi của người khác.
  • Gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ lâu dài.
  • Ít quan tâm, hối hận hay cảm thấy có lỗi khi làm người khác đau khổ.
  • Ít khi thấy tội lỗi, thường không học hỏi từ những sai lầm của bản thân.
  • Cư xử vô trách nhiệm, thể hiện sự coi thường các hành vi xã hội thông thường.
  • Thường xuyên đổ lỗi cho người khác về những vấn đề trong cuộc sống của họ.

Một người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội sẽ có tiền sử rối loạn hành vi trong thời thơ ấu, chẳng hạn như trốn học (không đi học), phạm pháp (ví dụ: phạm tội hoặc lạm dụng chất gây nghiện) và các hành vi gây rối và hung hãn khác.

3. Nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Hiện nay, các nguyên nhân gây rối loạn nhân cách chống đối xã hội chưa được tìm thấy. Tuy nhiên, một số các yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc rối loạn này bao gồm:

  • Có tiền sử bệnh tâm thần trong gia đình.
  • Đã được chẩn đoán rối loạn hành vi trước 15 tuổi.
  • Trải qua chấn thương hoặc lạm dụng trong thời thơ ấu.
  • Có thành tích học tập kém hơn so với các bạn đồng trang lứa.
  • Từng mắc rối loạn sử dụng chất gây nghiện hoặc có người thân mắc rối loạn này.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của ASPD

4. Cách chẩn đoán và điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội

4.1 Cách chẩn đoán

Để một người bị chẩn đoán mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội, người đó thường có tiền sử rối loạn cư xử trước 15 tuổi. Từ đó, ASPD sẽ được chẩn đoán sau khi đánh giá tâm lý chi tiết và nghiêm ngặt.

Chẩn đoán chỉ có thể được thực hiện nếu người đó từ 18 tuổi trở lên và áp dụng khi có ít nhất 3 trong số các hành vi tiêu chí sau:

  • Nhiều lần lừa dối.
  • Cáu kỉnh và hung hăng.
  • Nhiều lần vi phạm pháp luật.
  • Liên tục vô trách nhiệm và thiếu sự hối hận.
  • Bốc đồng hoặc không có khả năng lập kế hoạch trước.
  • Có sự coi thường đối với sự an toàn của họ hoặc của người khác

Những dấu hiệu này không phải là một phần của giai đoạn tâm thần phân liệt hoặc hưng cảm – chúng là một phần trong tính cách và hành vi hàng ngày của một người. Hành vi này thường trở nên cực đoan vào cuối tuổi thiếu niên và đầu tuổi 20, biểu hiện của ASPD có thể cải thiện khi người đó đạt đến độ tuổi 40.

4.2 Phương pháp điều trị

Trước đây, rối loạn nhân cách chống đối xã hội được cho là rối loạn “mạn tính”; nhưng không phải như vậy. ASPD đôi khi có thể được kiểm soát và điều trị.

Bằng chứng cho thấy hành vi có thể được cải thiện theo thời gian nhờ trị liệu tâm lý, ngay cả khi những đặc điểm cốt lõi như thiếu sự đồng cảm vẫn còn.

Nhưng rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một trong những loại rối loạn nhân cách khó điều trị nhất. Một người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường miễn cưỡng tìm cách trị liệu tâm lý và chỉ có thể bắt đầu trị liệu khi có lệnh của tòa án.

Phương pháp điều trị được khuyến nghị cho người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh của họ, có tính đến các yếu tố như tuổi tác, tiền sử phạm tội và liệu có bất kỳ vấn đề liên quan nào không, chẳng hạn như lạm dụng rượu hoặc ma túy.

Gia đình và bạn bè của người đó thường sẽ đóng vai trò tích cực trong việc đưa ra quyết định về việc điều trị và chăm sóc họ. Đôi khi, các can thiệp đối với hành vi lạm dụng chất gây nghiện và sự chăm sóc xã hội cũng có thể cần được tham gia.

Nguồn tham khảo:

1. Antisocial personality disorder
https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/antisocial-personality-disorder/
Ngày truy cập:

2. Antisocial personality disorder
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/antisocial-personality-disorder/symptoms-causes/syc-20353928
Ngày truy cập:

3. Antisocial Personality Disorder (ASPD)
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9657-antisocial-personality-disorder
Ngày truy cập:

4. Antisocial Personality Disorder
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK546673/
Ngày truy cập:

5. Antisocial Personality Disorder
https://www.samhsa.gov/mental-health/antisocial-personality-disorder
Ngày truy cập:

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top