Trong guồng quay của cuộc sống, đôi lúc bạn mải mê lãng phí năng lượng cơ thể của mình để chạy theo một mục tiêu nào đó của bản thân như công việc, học tập, trải nghiệm, chăm sóc các mối quan hệ,…
Đến một thời điểm mà tất cả các yếu tố cả về thể chất lẫn tinh thần đều tụt dốc, bạn mới chợt nhận ra: “Mình không ổn” thì có lẽ đã muộn, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi. Vậy nếu ví năng lượng trong cơ thể là một nguồn “ngân sách” mà bạn được ban tặng thì nên dùng thế nào cho thông minh, để không phải đi vào vết xe đổ của nhiều người là dùng đến cạn kiệt rồi mới tìm cách nạp đầy.
Cùng SoftenMind tìm hiểu về khái niệm Body Budget – được khai sinh bởi nhà thần kinh học Lisa Barrett!
Body Budget (Ngân sách Cơ thể) là gì?
Body Budget (Ngân sách cơ thể) – một khái niệm được đề cập trong quyển sách How Emotions Are Made của nhà thần kinh học Lisa Barrett. Theo bà Barrett, ngân sách cơ thể của bạn là năng lượng mà bộ não của bạn phân bổ cho từng chức năng của cơ thể để duy trì sự sống của bạn. Theo đó, não bộ sẽ dựa vào các thông tin giác quan nó nhận được từ bên trong và bên ngoài cơ thể để đưa ra phản ứng cảm xúc phù hợp.
Hãy tưởng tượng ngân sách cơ thể là tài khoản ngân hàng năng lượng. Tâm trạng bạn là số dư của tài khoản đó. Khi số dư bị âm, não dễ kết luận bạn đang trong tình huống bất ổn và rút một khoản trong tài khoản năng lượng để cân bằng.
Giả sử ngân sách cơ thể của bạn là 100 đồng. Nếu bạn không ngủ đủ, không uống đủ nước hoặc ăn uống đầy đủ, bạn sẽ bắt đầu bị “tính phí”. Và nếu bạn chi tiêu quá nhiều trong một ngày ví dụ như đi ăn ngoài, hi sinh thời gian ngủ để lướt mạng xã hội, thay thế nước uống bằng các loại thức uống khác không có lợi cho cơ thể như nước có gas, trà sữa, bạn sẽ bắt đầu dùng hết chi phí cơ thể và khấu trừ vào các phần khác trong cuộc sống.
4 nguồn chính cung cấp năng lượng cho cơ thể của bạn
Nếu bạn nghĩ rằng chỉ đơn giản bằng việc ăn, bạn đã có thể cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể của mình, vậy thì tại sao có những ngày bạn ăn rất nhiều vẫn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng? Hay nếu ngủ có tác dụng “chữa lành”, thì tại sao bạn càng ngủ nhiều lại càng thấy uể oải, chán chường?
Theo dự án Energy Project của Harvard Business School, có 4 nguồn chính cung cấp năng lượng cho cơ thể người. Và dù 4 loại năng lượng này được tạo ra theo cách khác nhau, chúng có liên quan mật thiết đến nhau trong việc giữ cân bằng sức khỏe thể chất và tinh thần:
- Năng lượng thể chất (physical energy): Được tái tạo qua chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện hợp lý.
- Năng lượng cảm xúc (emotional energy): Được tái tạo qua tương tác với người khác. Cụ thể hơn, năng lượng cảm xúc hình thành từ hành vi quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, cũng như cảm giác an toàn và tin tưởng.
- Năng lượng tinh thần (mental energy): Được tái tạo qua việc tập trung làm điều bạn thích, và khả năng thiết lập các ranh giới lành mạnh.
- Năng lượng tâm linh (spiritual energy): Được tái tạo qua việc tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong những điều bạn làm. Trong vài trường hợp, loại năng lượng này có thể gộp chung với năng lượng tinh thần.
6 cách nạp đầy năng lượng cơ thể để duy trì cuộc sống hạnh phúc
1. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc là điều cốt yếu để duy trì sức khỏe. Người trưởng thành nên ngủ ít nhất bảy tiếng mỗi đêm. Nếu bạn gặp khó khăn khi ngủ hoặc duy trì giấc ngủ, hãy thử một số thay đổi dưới đây:
- Tránh caffeine và rượu trước khi đi ngủ
- Không ăn các bữa ăn nặng trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ
- Tập thể dục thường xuyên, nhưng không phải ngay trước khi đi ngủ
- Dành thời gian thư giãn mỗi ngày, tắm hoặc đọc sách thay vì xem TV hay sử dụng điện thoại
- Tạo lịch trình ngủ phù hợp: nếu khó ngủ, thử đi ngủ và thức dậy vào một thời điểm cố định
2. Duy trì độ ẩm
Ngoài giấc ngủ, độ ẩm và lượng nước trong cơ thể cũng góp phần quan trọng để điều chỉnh ngân sách cơ thể.
- Uống đủ nước.
- Uống nhiều nước hơn khi cảm thấy khát hoặc nóng trong người
- Người trưởng thành nên uống khoảng 8 ly nước hoặc ít nhất 2 lít nước mỗi ngày
3. Cân bằng dinh dưỡng
Nền tảng của một cơ thể khỏe mạnh là dinh dưỡng, và đây là một khía cạnh quan trọng khác giúp xây dựng ngân sách cơ thể của bạn.
- Ăn những thực phẩm cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể
- Thay thế những nguồn dinh dưỡng không tốt như mỡ động vật bằng mỡ thực vật
- Chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn nơi cung cấp uy tín hoặc hạn chế ăn ngoài
4. Tập thể dục
Tập thể dục là một phần quan trọng để duy trì sức khoẻ. Nhưng nếu không quen với việc vận động, bạn có thể thực hiện một số cách để việc tập thể dục trở nên thú vị hơn:
- Thử các hoạt động thể dục cộng đồng như lớp học đi bộ, đạp xe
- Thử các bộ môn vận động khác nhau như yoga, pilates
- Thử tham gia các hoạt động đội nhóm nơi mọi người cùng vận động và truyền động lực
5. Liên kết xã hội
Duy trì các tương tác xã hội là chìa khóa để có sức khỏe tinh thần tốt và nó cũng có lợi cho sức khỏe thể chất của bạn. Các tương tác xã hội được chứng minh là cải thiện chức năng hệ thống miễn dịch:
- Sắp xếp thời gian mỗi tuần dành cho gia đình, người thân, bạn bè
- Duy trì các kết nối xã hội lành mạnh
- Tránh xa hoặc hạn chế các mối quan hệ độc hại, không lành mạnh
6. Ghi nhận bản thân
Ngay cả hoạt động chăm sóc bản thân cũng cần sự cân bằng vì bạn cần đảm bảo mình không thấy căng thẳng hay áp lực về việc phải chăm sóc cơ thể và tâm trí của mình.
Cách tốt nhất để biết chăm sóc bản thân bao nhiêu là đủ là chú ý đến nhu cầu và giới hạn của chính bạn. Hãy chú ý khi mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ: bạn có trở nên cáu kỉnh hơn suốt cả ngày không? Bạn có cảm thấy đói hơn bình thường không? Lịch ngủ của bạn có bất thường không?
Nếu câu trả lời cho những câu hỏi này là có, đó có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn với ngân sách cơ thể của bạn!
Tổng hợp Path Program, Shortform, Vietcetera