Sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống (imbalance work-life) là khi bạn không có sự ổn định trong hoạt động hàng ngày để đạt được mục tiêu công việc lẫn mục tiêu cá nhân.
Tình trạng này thường xảy ra khi bạn không đặt ra giới hạn nhất định trong công việc và cuộc sống cá nhân. Việc mất cân bằng có thể làm tăng mức độ căng thẳng và ảnh hưởng đến năng suất làm việc của bạn.
1. Dấu hiệu mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Khi bị mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bạn sẽ có các biểu hiện như:
- Cảm thấy kiệt sức trong phần lớn thời gian: Bạn thấy mất động lực trong công việc, làm việc hay bị nhầm lẫn và mắc các lỗi bạn thường không bị, cảm thấy áp lực, mệt mỏi và không đủ năng lượng để làm việc.
- Ít thời gian rảnh để thư giãn, nghỉ ngơi: Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể khiến bạn bỏ lỡ những sự kiện quan trọng của gia đình như ngày kỷ niệm, sinh nhật hay khoảng thời gian đặc biệt bên gia đình với người thân yêu.
- Mức độ căng thẳng gia tăng: Bạn thường xuyên cảm thấy hồi hộp, lo lắng, dường như bạn không thể không nghĩ đến công việc, luôn cảm thấy có áp lực vô hình từ công việc.
- Bắt đầu có dấu hiệu bỏ lỡ công việc: Tình trạng kiệt sức có thể dẫn đến mệt mỏi kéo dài. Khi bạn phải làm việc trong trạng thái căng thẳng trong thời gian dài và không có thời gian nghỉ ngơi, bạn có thể cần nghỉ làm hoặc không hoàn thành công việc đúng thời hạn.
2. Mất cân bằng công việc và cuộc sống ảnh hưởng như thế nào?
2.1 Tăng thời gian nghỉ ốm
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể gây ra hậu quả về thể chất và tinh thần cho một người. Một nhân viên làm việc 55 giờ cộng thêm một tuần sẽ tăng nguy cơ bị đau tim lên đến 13%.
Hơn nữa, khi bạn mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống thì thời gian ngủ của bạn ít hơn và bạn bị thiếu ngủ, điều này có thể tăng nguy cơ bị lo lắng, hệ thống miễn dịch suy yếu.
Về lâu dài, những người làm việc quá sức liên tục có nguy cơ bị kiệt sức, đi kèm với rất nhiều rủi ro, bao gồm xuất hiện các triệu chứng giống như trầm cảm.
2.2 Giảm năng suất làm việc
Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể khiến bạn mất khả năng tập trung, phân tích và ghi nhớ khi làm việc. Ngoài ra, bạn có thể bị đau đầu nhiều hơn, dễ nhầm lẫn hơn hoặc thấy mệt mỏi về tinh thần, làm giảm đáng kể năng suất làm việc.
2.3 Thường xuyên căng thẳng nhiều hơn
Khi bạn không có thời gian để nạp lại năng lượng và nghỉ ngơi, mà lại phải xài thêm năng lượng cho công việc của mình. Bạn có thể cảm thấy choáng ngợp và căng thẳng hơn, dần dần góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu và trầm cảm.
3. Làm thế nào để cân bằng được công việc và cuộc sống?
3.1 Biết giá trị bạn muốn theo đuổi
Hãy cố gắng dành chút thời gian suy nghĩ về điều gì là quan trọng đối với bạn trong cuộc sống. Hãy chú ý đến đam mê và sở thích của bạn. Đồng thời, bạn hãy dành thời gian cho điều khiến bạn cảm thấy được sống.
Để vượt qua sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, hãy tự hỏi bạn thực sự dành bao nhiêu thời gian cho những ưu tiên của mình?
3.2 Tập sử dụng công cụ quản lý thời gian
Lịch, ứng dụng và danh sách việc cần làm đều là những phương pháp hữu ích để theo dõi cách bạn sử dụng thời gian. Bạn có thể xem lại một tuần của mình và xem bạn có thể sử dụng thời gian tối ưu hơn không.
Để giải quyết mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bạn có thể mua sắm trực tuyến hoặc làm việc tại nhà vài ngày một tuần để tiết kiệm thời gian. Bạn có thể sắp xếp một số cuộc họp thực hiện qua điện thoại/video hoặc email thay vì gặp trực tiếp.
3.3 Biết cách đặt giới hạn trong công việc
Nếu cảm thấy khó từ chối, bạn có thể thử đặt ra giới hạn về thời gian làm việc và lên kế hoạch trước cho các hoạt động khác. Hãy cho mọi người biết khi nào bạn sẽ không có mặt nơi công việc. Hãy rời xa điện thoại, tắt email công việc hoặc không sử dụng Internet trong vài giờ.
Ngoài ra, cách vượt qua sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống đó là tự hỏi: “Bạn có ai có thể chia sẻ gánh nặng không? Bạn có thể giảm bớt áp lực cho bản thân và chấp nhận rằng đủ tốt là được không?”
3.4 Tìm ra công việc bạn yêu thích
‘Hãy làm những gì bạn yêu thích và yêu những gì bạn làm’ là một câu khẩu hiệu tuyệt vời và là điều bạn nên phấn đấu.
Hầu hết các công việc đến một lúc nào đó có thể trở nên tẻ nhạt hoặc căng thẳng, nhưng nếu bạn thực sự không thích công việc của mình hoặc công việc đang khiến cuộc sống trở nên khó khăn thì có lẽ đã đến lúc bạn phải thay đổi.
Hãy hỏi người sếp của bạn về cách sắp xếp công việc linh hoạt. Xem liệu bạn có thể chuyển sang phòng ban khác hay không. Bạn có thể sắp xếp công việc phụ vài giờ mỗi tuần để thử một cách kiếm sống mới.
3.5 Nuôi dưỡng các mối quan hệ
Các mối quan hệ tích cực giúp xây dựng khả năng phục hồi và giúp bạn đối phó với căng thẳng tốt hơn. Những mối quan hệ bền chặt cần có thời gian để nuôi dưỡng và phát triển. Bạn hãy ưu tiên thời gian chất lượng với gia đình, bạn bè, hàng xóm và những người thân yêu của bạn.
3.6 Chăm sóc cho sức khỏe thể chất
Tập thể dục thường xuyên để làm giảm căng thẳng, lo lắng và trầm buồn. Hãy đảm bảo bạn ngủ đủ giấc thường xuyên. Cố gắng ăn thực phẩm lành mạnh, hạn chế sử dụng rượu, bia và chất kích thích.
3.7 Hãy sắp xếp thời gian rảnh và thảnh thơi
Dành thời gian để nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng để giúp bạn thành công trong những việc quan trọng đối với mình.
Lên lịch nghỉ ngơi thường xuyên cho bản thân mỗi tuần để thư giãn, đọc sách, chơi thể thao, dành thời gian cho thiên nhiên hoặc không làm gì cả. Hãy chọn bất kỳ hoạt động nào bạn thích để giải quyết tình trạng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhé!
Khi bạn có sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống, bạn có đủ thời gian để làm mọi việc cần thiết. Bạn có thể dành thời gian chất lượng với bạn bè, nuôi dưỡng mối quan hệ với gia đình, dành thời gian cho sở thích của mình, đầu tư vào việc chăm sóc bản thân, ngủ đủ giấc và đảm bảo rằng bạn luôn hoạt động thể chất. Tất cả những điều này đều rất cần thiết để giúp cho tâm trí và cơ thể của bạn khỏe mạnh.