1. Hành vi bù đắp rối loạn ăn uống là gì?
Rối loạn ăn uống có liên quan đến nhu cầu kiểm soát cân nặng. Và đối với nhiều người, đó là nhu cầu kiểm soát với mong muốn trở nên gầy gò. Rối loạn ăn uống xoay quanh các vấn đề liên quan đến thức ăn. Một người mắc chứng rối loạn ăn uống thường cảm thấy lo lắng và mất kiểm soát mỗi khi ăn uống, đặc biệt là nếu họ ăn uống vô độ. Những cảm giác lo lắng và hổ thẹn này sẽ khiến họ muốn làm điều gì đó để bù đắp lượng calo đã tiêu thụ để không bị tăng cân. Mục tiêu của hành vi bù đắp là để bù trừ cho hành động mà bạn cảm thấy không hài lòng. Một ví dụ không liên quan đến chứng rối loạn ăn uống là khi bạn mất kiên nhẫn và nói điều gì đó gây tổn thương cho một người quan trọng với bạn, bạn làm một điều gì đó tốt đẹp cho họ vào ngày hôm sau để bù đắp. Bạn đang bù đắp cho điều gì đó bạn đã làm và giảm bớt cảm giác tội lỗi vì bạn đã mất kiên nhẫn.
2. Điều kiện dẫn đến những hành vi này
Bất kỳ chứng rối loạn ăn uống nào cũng có thể dẫn đến các hành vi mang tính bù đắp. Phổ biến nhất có thể kể đến là chứng ăn nhiều tâm lý, chán ăn tâm lý nhưng bất kỳ ai đang đối mặt với hình ảnh không lành mạnh về cơ thể của mình /hoặc có mối quan hệ không lành mạnh nào với thức ăn đều có thể thực hiện các hành vi bù đắp.
Trong trường hợp mắc chứng ăn nhiều tâm lý, cá nhân sẽ ăn uống vô độ và sau đó thực hiện các hành vi thanh trừng cơ thể. Bạn có thể nhận thấy rằng họ có đôi mắt đỏ ngầu, vùng hàm tròn trịa, sưng hạch, răng vàng, có đốm hoặc sâu răng. Thanh lọc là hành vi bù đắp. Mục đích là để loại bỏ lượng calo và giảm bớt sự hổ thẹn cũng như những cảm giác tiêu cực khác đến từ việc ăn uống. Điều này không chỉ đối với ăn uống vô độ. Một người mắc chứng ăn nhiều tâm lý cũng có khả năng thanh lọc sau khi dùng bữa cùng gia đình.
Đối với chán ăn tâm lý, cá nhân không ăn đủ calo. Một số triệu chứng thể chất của chứng chán ăn tâm lý bao gồm tay chân lạnh, nhạy cảm với thời tiết lạnh, sụt cân nghiêm trọng, dễ bị bầm tím, huyết áp thấp và tóc khô hoặc mỏng.
Có ít thông tin về rối loạn thanh lọc cơ thể. Nó không phải là một chẩn đoán chính thức như chứng ăn nhiều tâm lý và chán ăn tâm lý. Nó có đặc điểm là thanh lọc sạch sẽ sau khi ăn, như một hành vi bù đắp, nhưng không giống như chứng ăn nhiều tâm lý, những người mắc chứng rối loạn này không ăn uống vô độ. Họ thực hiện hành vi thanh lọc sau khi ăn một lượng thức ăn cụ thể.
3. Một số hành vi bù đắp phổ biến nhất
Các hành vi bù đắp là một phần quan trọng của tất cả các rối loạn ăn uống cho dù là thông qua các hành vi hạn chế hay thanh lọc thực phẩm. Có những loại hành vi bù đắp khác như tập thể dục cưỡng ép và tự làm hại bản thân. Tần suất và mức độ nghiêm trọng sẽ khác nhau từ người này sang người khác. Một số hành vi bù đắp phổ biến nhất được mô tả dưới đây.
Hạn chế thực phẩm
Hạn chế thực phẩm phổ biến nhất đối với các cá nhân mắc chứng chán ăn tâm lý nhưng nó có thể xuất hiện ở mọi dạng rối loạn ăn uống. Nó có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Một người có thể chỉ ăn một nhóm nhỏ thực phẩm, chẳng hạn như chỉ ăn thực phẩm ít calo. Nó cũng có thể là một chu kỳ ăn uống ở một số người, ăn uống bình thường hoặc ăn vô độ, sau đó là một khoảng thời gian hạn chế ăn uống để bù đắp lượng calo tiêu thụ.
Thanh lọc
Thanh lọc là hình thức phổ biến nhất của hành vi bù đắp đối với chứng ăn nhiều tâm lý. Nó giúp cơ thể loại bỏ một cách thực sự lượng thức ăn đã tiêu thụ và những người thanh lọc báo cáo rằng họ cảm thấy nhẹ nhõm sau khi thanh lọc. Như đã đề cập ở trên, việc thanh lọc không nhất thiết phải xảy ra sau khi ăn vô độ. Nó có thể xảy ra sau một bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ thông thường. Mục tiêu là loại bỏ thức ăn và không tăng cân để không cần phải hấp thụ một lượng lớn thực phẩm. Mục tiêu khác là duy trì quyền kiểm soát và cảm thấy nhẹ nhõm khi thoát li khỏi những lo lắng và việc thanh lọc giúp cá nhân đạt được điều đó.
Một số người không mắc chứng rối loạn ăn uống chính thức nhưng đang phải vật vã với các vấn đề về hình ảnh cơ thể có thể thỉnh thoảng có hành vi thanh lọc. Đó có thể là điều họ làm nếu họ ăn một bữa ăn lớn hoặc nhiều calo nhằm bù đắp cho việc thực hiện kế hoạch ăn kiêng. Một số cá nhân mắc chứng chán ăn tâm lý thỉnh thoảng cũng có hành vi thanh lọc mặc dù nó ít phổ biến hơn.