ĐỔ LỖI CHO NẠN NHÂN (PHẦN 2)

1. Bạo lực

Các trường hợp bạo hành trong các mối quan hệ yêu đương thân mật mà phụ nữ là nạn nhân, bị thủ phạm là nam giới bạo hành, phụ nữ thường là đối tượng bị đổ lỗi. Thủ phạm nam giới thường sử dụng những lý do khách quan bên ngoài để biện minh cho những hành vi xâm hại, lạm dụng của mình. Họ có thể đổ lỗi cho đối phương hoặc kết luận rằng đối phương đáng bị xâm hại, lạm dụng bởi đối phương có tính cách gây khó chịu. Thủ phạm nam giới cũng có thể quy kết hành vi của họ là do họ có nhiều căng thẳng trong công việc hoặc họ sử dụng các chất kích thích dẫn đến không thể làm chủ được hành vi của mình. Tất cả các lí do này đều có tác dụng giảm thiểu khả năng quy kết phạm tội của thủ phạm đối với các hành vi bạo hành, lạm dụng.

Hơn nữa, phụ nữ cũng thường bị đổ lỗi là những người ưa nghe chửi, thích giấu giếm, đòi hỏi hoặc xứng đáng bị bạo hành. Những câu hỏi dưới dạng như “Tại sao cô ta lại không bỏ trốn đi?” vô cùng phổ biến, và những câu hỏi này củng cố quan điểm cho rằng một người phụ nữ hẳn là phải thích bị lạm dụng thì mới ở lại mối quan hệ này. Đây là những hành động biện minh phá hủy giá trị góp phần xóa bỏ trách nhiệm thủ phạm phải gánh chịu. Việc đổ lỗi cho nạn nhân giải phóng người nam giới có hành vi bạo lực khỏi ràng buộc trách nhiệm với những điều tồi tệ mà anh ta đã gây ra.

Hiểu thêm về bạo lực

2. Tấn công tình dục

Những biểu hiện đổ lỗi cho nạn nhân rõ ràng nhất thường xuất hiện trong các vụ xâm hại tình dục. Các nạn nhân nữ trưởng thành bị tấn công tình dục thường bị đổ lỗi là có hành vi khiêu khích, quyến rũ, khiêu gợi, trêu chọc hoặc “chủ động yêu cầu điều đó”. Ở thế kỉ trước, khi có một vụ án quấy rối tình dục hoặc hiếp dâm đưa ra trước tòa án, các yếu tố như trang phục, lối sống và bối cảnh đời sống tình dục của nạn nhân có thể là một yếu tố còn quan trọng hơn cả tình tiết vụ việc đã xảy ra. Vai trò của nạn nhân trở thành vai trò của bị cáo. Sự ra đời và thay đổi của luật pháp đã giúp nạn nhân được bảo vệ trong các phiên tòa xét xử tội phạm hiếp dâm. Luật pháp không cho phép người bào chữa tra hỏi nạn nhân những câu hỏi liên quan đến lịch sử đời sống tình dục của họ, vì những câu hỏi như vậy có thể làm ảnh hưởng đến tính đáng tin cậy trong lời khai của nạn nhân.

Ngược lại, thủ phạm nam giới lại thường được nhìn nhận là những sinh vật bất lực, chán nản, không màng về tình dục, và chỉ phản ứng lại những người phụ nữ có hành vi khiêu khích tình dục. Đã có những trường hợp các bản án kết luận vô tội đã được trả về trên cơ sở cho rằng các nạn nhân nữ bằng cách nào đó đã tự thúc đẩy những vụ hiếp dâm đến với bản thân mình. Nổi bật nhất phải kể đến các vụ hiếp dâm có dính dáng đến người thân quen. Nạn nhân trong các vụ hiếp dâm liên đới tới người thân quen thường bị đổ lỗi nhiều hơn là những nạn nhân của các vụ hiếp dâm đến từ người lạ mặt. Điều này phản ánh quan niệm truyền thống sai lầm rằng tấn công tình dục chỉ có thể liên quan đến những người xa lạ.

Cũng có thể có một lỗi quy kết như sau: phản ứng của phụ nữ đối với sang chấn và hành vi của họ thường bị quy kết bệnh lí bởi các thành viên trong gia đình, bạn bè, nhân viên tư pháp hình sự và các chuyên gia. Một số người có quan niệm sai lầm rằng phụ nữ thường có xu hướng phóng đại các triệu chứng của bản thân.

3. Mại dâm

Mạng sống của một số nạn nhân liệu có được coi là đáng giá hơn những nạn nhân khác hay không? Một số nạn nhân liệu có thể được nhìn nhận là những sinh mạng rẻ rúng hay không? Sự kỳ thị gái điếm – hay tư tưởng cho rằng phụ nữ được gán nhãn là gái điếm chỉ là món hàng dùng một lần – rất phổ biến trong mọi nền văn hóa: “những con điếm đó xứng đáng nhận được những thứ đó”. Trong mọi nền văn hóa, chúng ta luôn coi thường mọi phụ nữ bị nhìn nhận là có tư tưởng lệch lạc tình dục hoặc lăng nhăng. Nhiều người coi những phụ nữ hành nghề mại dâm là những “loại đàn bà bỏ đi”. Họ có thể không quan tâm khi những người phụ nữ này đột nhiên mất tích, hoặc bị lạm dụng, hoặc bị sát hại. Hành vi hạ thấp giá trị đối với những người bán dâm có thể đem đến tác động rất tiêu cực tới các bậc phụ huynh có con cái tham gia mua bán dâm. Những bậc cha mẹ này không đồng ý với xã hội rằng con họ là một “con điếm” hoặc rằng con cái họ “nhận được những gì chúng xứng đáng”, vì rõ ràng họ không nhìn nhận con họ theo cách như vậy.

4. Các vụ án mạng

Việc mất đi người thân do một tội ác bạo lực có thể tàn phá cả một gia đình. Không ai lại có thể chuẩn bị được tinh thần trước sự mất mát lớn lao như vậy  và cũng chẳng có lời khuyên, lời cầu nguyện, công lý, sự phục hồi hay lòng trắc ẩn nào có thể đưa người thân của họ trở về. Thế giới của những người còn sống bị thay đổi đột ngột và thay đổi vĩnh viễn. Nhận thức được rằng ước mơ của người thân yêu của bạn sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Cuộc sống có thể đột nhiên mất đi ý nghĩa, và nhiều người còn sống cho biết rằng họ không thể tưởng tượng bản thân có thể hạnh phúc trở lại.

Hơn nữa, nạn nhân của các vụ án mạng thường bị hạ thấp giá trị bởi những trách nhiệm cụ thể được quy kết cho họ. Bạn bè và gia đình có thể thắc mắc về lối sống của nạn nhân, tự hỏi làm sao họ lại quen biết được kẻ sát nhân. Họ có thể đưa ra những đánh giá, nhận xét, chẳng hạn như “cô ta/ anh ta đã đến những địa điểm đó không đúng lúc, đúng chỗ” trong khi những nhận định này cũng chẳng chính xác. Việc xét hỏi, tra khảo về sự vô tội của nạn nhân là điều rất đau xót đối với những người thân còn sống trong gia đình.

Đọc thêm phần 1 tại đây.

https://tamly.softenmind.com/2022/12/02/do-loi-cho-nan-nhan-phan-1/

Scroll to Top