Cầu toàn là một loại tính cách rất phổ biến hiện nay. Vậy liệu những người theo chủ nghĩa cầu toàn có đạt được thành công hay không, có nên cầu toàn không?
Những người cầu toàn thường đặt ra các giới hạn không thể chinh phục, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Trong một số trường hợp, chúng có thể gây thất vọng, thậm chí là ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. Kiểm soát được tính cầu toàn của mình chắc chắn sẽ giúp bạn thành công hơn trong cuộc sống. Vậy thì chủ nghĩa cầu toàn là gì?
Cầu toàn là gì?
Cầu toàn trong tiếng Anh là “perfectionism” – có thể hiểu là loại tính cách luôn đưa ra những yêu cầu, tiêu chuẩn và đòi hỏi vô cùng khắt khe trong cả những việc nhỏ nhất. Họ không chỉ mong đợi sự hoàn hảo này ở bản thân mà còn ở cả những người xung quanh.
Người cầu toàn có thể được chia thành 2 nhóm chính, bao gồm:
- Cầu toàn bình thường: Những người này thường đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân, tuy nhiên vẫn có thể giảm nhẹ tiêu chuẩn tùy theo hoàn cảnh. Có thể hiểu họ là những người yêu thích sự hoàn hảo đơn thuần.
- Cầu toàn kiểu rối loạn thần kinh: Khác với kiểu đầu tiên, những người này thường đi kèm với dấu hiệu bất thường về tâm lý. Họ thường không hài lòng với bản thân trong hầu hết các trường hợp, thường xuyên cố chấp và tự phê bình bản thân cũng như những người xung quanh.
Là người cầu toàn có lợi hay có hại?
Trên thực tế, những người yêu thích sự hoàn hảo thường nhận được nhiều thành tựu trong cuộc sống. Đây là loại tính cách tốt giúp ta có trách nhiệm hơn trong việc hoàn thành công việc của mình.
Tuy nhiên, đối với kiểu cầu toàn rối loạn thần kinh lại có nguy cơ cao mắc phải những rối loạn tâm lý và thể chất, chẳng hạn như: nghiện rượu, các bệnh tim mạch vành, trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), chán ăn, tâm thần, tỷ lệ tự tử cao,…
Những ảnh hưởng xấu mà tính cầu toàn mang lại có thể kể đến như sau:
Trầm cảm
Khi đặt ra nhu cầu quá cao ta thường rất dễ mắc phải trầm cảm, lo âu do kết quả không đáp ứng được những kỳ vọng của bản thân. Đặc biệt, trong trường hợp những mục tiêu không thực tế thì chứng trầm cảm sẽ ngày càng nặng hơn.
Kém thích ứng hơn với sự căng thẳng
Cortisol là một loại hormone được giải phóng khi sự căng thẳng tăng cao. Chúng khiến cho cơ thể trở nên yếu hơn đối với những tác động tâm lý. Từ đó khiến khả năng kiểm soát cảm xúc cũng dần yếu đi, gây ra nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe.
Hung hăng
Theo như các nghiên cứu, người cầu toàn rất dễ không hài lòng khi không đạt được yêu cầu đối với những người khác. Chính cảm xúc này sẽ biến thành sự tức giận hoặc bạo lực. Càng ngày bạn càng trở nên hung hăng, dễ nóng giận và không kiềm chế được cảm xúc của mình. Từ đó khiến mọi người trở nên e dè, xa lánh bạn.
Hành động gây hại cho bản thân
Tình trạng trầm cảm kéo dài có thể dẫn đến ý tưởng tự gây thương tích, rối loạn ăn uống hoặc thậm chí là tự tử.
Chất lượng cuộc sống kém
Luôn trầm cảm, lo lắng, cáu gắt, bị mọi người xa lánh, tự gây hại cho bản thân sẽ khiến cuộc sống của người cầu toàn trở nên kém chất lượng, mất cân bằng. Thậm chí là mất niềm tin vào cuộc sống và tìm đến phương pháp tự tử.
Những dấu hiệu thường thấy của người cầu toàn
Luôn luôn cố gắng để tự kiểm soát mọi thứ
Người cầu toàn luôn có tâm lý muốn kiểm soát mọi thứ để hướng tới sự hoàn hảo. Cho nên, họ thường gồng mình để đảm nhận hết mọi việc, kể cả có làm được hay không.
Hơn nữa, đối với những người xung quanh người cầu toàn cũng có xu hướng thiết lập một trật tự theo đúng như mình mong muốn. Và dễ dàng trở nên chán nản khi sự cứng nhắc không được đáp ứng.
Xây dựng một quy trình làm việc quá khắt khe
Những người ám ảnh chủ nghĩa hoàn hảo thường đề ra một quy trình làm việc khắt khe đến từng chi tiết nhỏ. Họ tin rằng việc này sẽ giúp bản thân đạt được sự thành công, kết quả tốt nhất.
Việc này thực chất cũng không quá tiêu cực nếu được điều chỉnh theo đúng mức độ. Tuy nhiên điều này có thể khiến cho người cầu toàn gặp khó khăn khi rơi vào những tình huống đòi hỏi sự linh hoạt.
Đo đạc giá trị bản thân bằng kết quả của công việc
Những người cầu toàn thường định nghĩa giá trị của bản thân thông qua kết quả và sự thành công mà họ đạt được. Do đó, nếu kết quả không như mong muốn, họ rất dễ dàng cảm thấy chán nản, tự ti, mất niềm tin vào bản thân.
Những người này thường chỉ tập trung vào những điều chưa làm được, thôi thúc bản thân vượt qua giới hạn của chính mình. Bạn sẽ thấy họ cực kỳ tham công tiếc việc và khắt khe quá mức với bản thân.
Ám ảnh bởi sự thất bại
Những người cầu toàn thường rất sợ hãi sự thất bại, thậm chí là những sai sót nhỏ nhất. Đặc biệt, họ vô cùng bảo thủ trước những lời chỉ trích, khó tiếp thu ý kiến của người khác để thay đổi bản thân.
Luôn có xu hướng làm hài lòng người khác
Khi làm việc, người có tính cầu toàn rất thích việc nhận được sự khen ngợi từ cấp trên. Do đó, họ luôn tự nhắc nhở, thậm chí là đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe với bản thân để đạt được mục tiêu bằng mọi giá. Làm hài lòng người khác và hài lòng chính mình là cách duy nhất khiến họ cảm thấy thoải mái.
Dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động từ môi trường
Do việc luôn có suy nghĩ phải làm hài lòng người khác nên những người cầu toàn thường bị ám ảnh sâu sắc bởi môi trường xung quanh.
Ngay khi nghe những lời nói xấu, chê bai họ sẽ tự buộc bản thân mình cần phải làm tốt hơn, hoàn hảo hơn. Do đó, người cầu toàn thường có xu hướng hay lo âu, buồn chán và bị ảnh hưởng nặng nề bởi những suy nghĩ tiêu cực.
Sau bài viết trên, chắc hẳn bạn đã biết cầu toàn là gì rồi chứ? Học được cách quản lý sự cầu toàn của bạn thân chắc chắn sẽ giúp cải thiện được chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ xung quanh. Hãy luôn để cho bản thân thoải mái nhất, làm việc với niềm đam mê, nhiệt huyết của mình nhé!