Peer pressure là gì? Nguyên nhân, những “red flag” và 6 cách để vượt qua

Peer Pressure – Áp lực đồng trang lứa không còn là thuật ngữ lạ với các bạn trẻ. Đây là từ dùng để chỉ trạng thái một cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội (cùng độ tuổi, cùng lớp, cùng công ty, lĩnh vực chuyên môn,…) và phải thay đổi thái độ, giá trị hoặc hành vi của họ để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, thanh thiếu niên Á Đông là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi peer pressure. Vậy vì sao chúng ta lại bị ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa? Đâu là dấu hiệu cho thấy peer pressure đang tác động tiêu cực đến bạn? Và làm thế nào để vượt qua peer pressure một cách lành mạnh nhất? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Những yếu tố đẩy bạn vào trạng thái peer pressure

1. Mong muốn được hòa nhập

Trong quá trình tiến hóa, con người sống sót nhờ vào khả năng cộng tác. Bản năng đó vẫn ảnh hưởng tới chúng ta đến ngày nay. Vì vậy, chúng ta vẫn tự điều chỉnh thái độ, hành vi và niềm tin của mình để nhận được sự công nhận và phù hợp với hệ giá trị của nhóm mà mình tham gia.

2. Chuẩn mực xã hội

Là những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi được xem là đúng đắn bởi số đông trong xã hội. Để không trở thành “con cừu đen” và tránh rắc rối, nhiều người sẽ ép mình vào những chuẩn mực này. Ví dụ ở một công ty mà việc làm thêm giờ trở thành chuẩn mực thì người mới sẽ có xu hướng làm theo “luật ngầm” này.

Chủ nghĩa tập thể khiến ta phải hành động theo “số đông”

3. Chủ nghĩa tập thể

Khác với chủ nghĩa cá nhân của các nước phương Tây, văn hoá Á Đông nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối và tập thể. Nghiên cứu cho thấy những người thuộc nền văn hoá tập thể sẽ dễ hình thành sự so sánh xã hội hơn những người lớn lên dưới chủ nghĩa cá nhân.

4. Mạng xã hội

Khi mạng xã hội trở thành địa điểm để người dùng khoe mẽ những dáng vẻ tốt nhất của bản thân thì những nền tảng này cũng trở thành “thức ăn” của áp lực đồng trang lứa. Việc nhìn “sân khấu” của người khác và so sánh với hậu trường của mình khiến cá nhân dễ nảy sinh sự so sánh, đố kỵ.

Những dấu hiệu cho thấy peer pressure đang “nuốt chửng” bạn

Ông bà ta có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” – ngụ ý nếu một người tiếp xúc với những yếu tố tốt đẹp thì sẽ có xu hướng trở nên tốt đẹp hơn. Áp lực trang lứa cũng có hai mặt “mực” và “đèn”. Sẽ không xấu nếu bạn biết cách dùng peer pressure làm động lực để phát triển bản thân.

Thế nhưng trong một số trường hợp, peer pressure có thể trở thành tảng đá lớn cản trở sự phát triển của bạn hoặc một bầu trời âm u lúc nào cũng đè nặng trên đầu bạn. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy peer pressure đang “nuốt chửng” bạn.

1. Cảm giác tự ti về bản thân

Cảm giác không an toàn, thua thiệt, hoặc không xứng đáng; Luôn so sánh bản thân mình với mọi người; Cảm giác thù địch, nản lòng, lo lắng, hay cáu giận

2. Tự tin thái quá hoặc ái kỷ

Có tính cạnh tranh cao; Là một người cầu toàn hay nhạy cảm với sự chỉ trích; Luôn tìm những lỗi sai ở người khác; Tìm kiếm sự chú ý; Gặp khó khăn trong việc nhận lỗi.

3. Sinh hoạt bị ảnh hưởng

Rút lui khỏi những hoạt động hàng ngày và tình huống xã hội; Mất ngủ; Không thể hoàn thành công việc; Các dấu hiệu của trầm cảm, lo âu, hay rối loạn sức khỏe tâm thần khác.

Làm thế nào để vượt qua peer pressure
  • Hiểu rõ chính mình: Nhận thức đúng đắn về những ưu và khuyết điểm của bản thân cũng như hành trình mình đang đi để tránh nhòm ngó những “ngã rẽ” khác
  • Không so sánh với người khác: Biết rằng mỗi người là một cá thể độc lập với hành trình phát triển riêng, do đó không có thước đo hay định lượng nào chính xác
  • Không áp đặt góc nhìn của mình lên người khác: Mỗi người sẽ có một cuộc đời với những lựa chọn khác nhau, miễn là chúng phù hợp và khiến họ vui vẻ
  • Đặt mục tiêu cụ thể: Ở mỗi giai đoạn biết mình đang đi đến đâu, đi đến đó để đạt được điều gì sẽ khiến bạn kiên định hơn với hành trình của mình
  • Tận hưởng hành trình thay vì đích đến: Đừng quên tận hưởng những trải nghiệm trên hành trình chinh phục mục tiêu, bạn sẽ biết được cả thành công và thất bại đều rất “đẹp”
  • Chia sẻ cảm nghĩ của mình với người xung quanh: Khi cảm thấy áp lực dồn nén khiến bạn khó chịu, hãy tìm cách tâm sự với gia đình, bạn bè hoặc ai đó tin cậy

Tổng hợp: Vietcetera, UEH, Ybox

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top