Được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đánh giá là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 5 đối với người lớn trên 65, bệnh Alzheimer là một căn bệnh về não gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và trí nhớ của người bệnh.
Hai triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng này là nhầm lẫn và mất trí nhớ. Bệnh Alzheimer dần dần làm suy giảm khả năng suy nghĩ và trí nhớ đến mức khiến người bệnh gặp khó khăn ngay cả khi thực hiện những công việc đơn giản.
Trong bối cảnh dân số thế giới đang già hoá, Alzheimer đã và đang gây ảnh hưởng đến nhiều gia đình trên toàn cầu. Nhiều chuyên gia tâm lý nhận định bệnh Alzheimer không chỉ gây ảnh hưởng đến người bệnh mà còn tác động tới cả người chăm sóc bệnh nhân. Bởi lẽ quá trình đồng hành cùng bệnh nhân Alzheimer không hề đơn giản và có thể dẫn đến trầm cảm hoặc tạo nên những cảm xúc căng thẳng cho người thân.
Vậy bệnh Alzheimer là gì? Nguyên nhân bệnh Alzheimer? Chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị bệnh Alzheimer như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Nguyên nhân bệnh Alzheimer
Ngày nay, khoa học vẫn chưa xác định được đầy đủ nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer. Các nguyên nhân có thể bao gồm sự kết hợp của những thay đổi liên quan đến tuổi tác bộ não, cùng với các yếu tố di truyền, môi trường và lối sống.
Về mặt cấu trúc, bệnh Alzheimer diễn ra khi các tế bào não lưu trữ và xử lý thông tin bắt đầu bị suy yếu và chết. Ngoài ra, các protein bất thường được sản sinh ra, tạo nên những mảng bám và tích tụ quanh và bên trong các tế bào gây cản trở đến quá trình truyền tải thông tin.
Triệu chứng bệnh Alzheimer
Triệu chứng phổ biến nhất mà mọi người bắt đầu nhận thấy là khó ghi nhớ thông tin mới. Lúc đầu, triệu chứng này có thể khó phát hiện và có thể bị nhầm lẫn với chứng quên bình thường hoặc suy giảm trí nhớ bình thường do tuổi tác.
Người bệnh Alzheimer thường gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin thậm chí là nhận ra gia đình hoặc bạn bè
Do tính chất tiến triển của bệnh Alzheimer, chứng quên này sẽ trở nên rõ rệt hơn theo thời gian. Mọi người cũng có thể bắt đầu biểu hiện các vấn đề về trí nhớ nghiêm trọng hơn cũng như các triệu chứng khác bao gồm:
- Thay đổi hành vi và tính cách
- Lú lẫn
- Khó nói
- Khó khăn với các nhiệm vụ nhiều bước
- Mất phương hướng
- Thay đổi tâm trạng
- Gặp vấn đề khi ghi nhớ các sự kiện, thời gian và địa điểm
- Nghi ngờ vô căn cứ
- Lặp đi lặp lại các câu hỏi giống nhau
- Khó ngủ
- Gặp vấn đề khi nuốt
- Khó nhận ra gia đình và bạn bè
- Vấn đề đi bộ
- Lang thang hoặc bị lạc
Đối tượng nguy cơ bệnh Alzheimer
Thông thường, Alzheimer sẽ xảy ra ở người lớn tuổi khi bộ não đã trải qua một thời gian dài hoạt động. Tuy nhiên, những yếu tố dưới đây cũng có thể trở thành nguyên nhân làm khởi phát căn bệnh Alzheimer:
- Tuổi tác: Tuổi cao là yếu tố rủi ro phổ biến nhất đối với bệnh Alzheimer. Theo Viện Lão hóa Quốc gia, khoảng một phần ba số người trên 85 tuổi mắc bệnh này.
- Thừa cân: Thừa cân có thể làm gia tăng đáng nguy cơ mắc bệnh.
- Bất thường về não: Những người có một số bất thường về não có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn khi họ già đi. Những bất thường có liên quan đến sự hiện diện của các cụm protein trong não, được gọi là mảng (plaques) và đám rối (tangles).
- Tiền sử gia đình: Có tiền sử gia đình mắc bệnh Alzheimer cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
- Tình trạng sức khỏe: Huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường và hút thuốc cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Các yếu tố về lối sống: Các yếu tố như ít hoạt động thể chất, ít giao tiếp xã hội, ngủ không đủ giấc và thói quen dinh dưỡng có thể khiến nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer tăng cao.
- Sự tương tác tinh thần: Hoạt động của tinh thần cũng có thể đóng một vai trò trong việc gia tăng hoặc làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Những người không tham gia vào các hoạt động tương tác tinh thần có thể dễ mắc bệnh hơn, mặc dù lý do chính xác của việc này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, làm những việc như đi học, học những điều mới, làm công việc thử thách tinh thần và duy trì tinh thần gắn kết có thể có tác dụng bảo vệ hoặc làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
- Giới tính: Nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn nam giới. Cụ thể, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer của phụ nữ cao hơn khoảng 1,5 đến 3 lần so với nam giới. Điều này có thể là do tuổi thọ trung bình của phụ nữ thường cao hơn nam giới.
Tuổi cao là nguyên nhân phổ biến nhất của Alzheimer
Các phương pháp chẩn đoán bệnh Alzheimer
Đầu tiên, để chuẩn đoán bệnh nhân có bị bệnh Alzheimer không, bác sĩ sẽ thực hiện một số kiểm tra sức khỏe tổng quát như kiểm tra huyết áp, kiểm tra tình trạng tâm thần (năng lực trí nhớ ngắn và dài hạn), tiền sử của bệnh nhân.
Sau đó thông qua các biện pháp kiểm tra giọng nói, phản xạ cơ, khả năng lý luận, phối hợp tay và mắt, khả năng cân bằng, cảm nhận cảm giác để xác định tình trạng bệnh Alzheimer.
Ngoài ra, các loại xét nghiệm khác có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh Alzheimer bao gồm:
- Chụp ảnh não để tìm kiếm những thay đổi vật lý, dị thường và hoạt động trong não, bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
- Chọc dò thắt lưng để tìm protein amyloid và tau
- Các bài kiểm tra trạng thái tinh thần để xem xét khả năng ngôn ngữ, trí nhớ và khả năng giải quyết vấn đề.
- Các bài kiểm tra tâm lý thần kinh để đánh giá các khả năng như trí nhớ, lý luận, sự chú ý và sự ổn định về cảm xúc.
Để chẩn đoán bệnh Alzheimer, bác sĩ thường thực hiện các bài kiểm ra trạng thái tinh thần và tâm lý thần kinh
Các biện pháp điều trị bệnh Alzheimer
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp để điều trị triệt để bệnh Alzheimer. Các phương pháp để hạn chế nguy cơ, tiến triển của bệnh như: làm chậm suy giảm lâm sàng (sử dụng thuốc để loại bỏ các mảng bám trong não); cảm thiện các triệu chứng nhận thức (sử dụng thuốc ức chế để tăng lượng chất dẫn truyền thần kinh) và cải thiện các triệu chứng hành vi (giảm lo âu, trầm cảm, kích động và các vấn đề về hành vi).
Cuối cùng, nếu bạn đang chăm sóc người thân mắc bệnh Alzheimer, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh, chẳng hạn như tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc tìm các nguồn chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng để vượt qua khó khăn.
Theo Verywell Mind