Tình yêu đơn phương là gì? 6 bước phục hồi khi tình yêu không được đáp lại

Tình yêu đơn phương là một trải nghiệm phổ biến. Trải nghiệm tình yêu không được đáp lại đã trở thành nguồn cảm hứng của nghệ sĩ, thi sĩ và cũng là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội.

Tình yêu đơn phương là gì?

Tình yêu đơn phương (tiếng Anh là unrequited love) là dạng tình cảm chỉ được trao từ một phía mà không nhận được phản hồi và đáp lại từ phía còn lại. Theo Baumeister năm 1993, 98% dân số đã từng yêu đơn phương.

Dạng tình yêu này đặc biệt phổ biến trong giới trẻ. Đối với học sinh trung học và đại học, tình yêu đơn phương phổ biến gấp bốn lần so với tình yêu từ hai phía (Bringle, 2013).

Để hiểu rõ hơn về những biểu hiện phổ biến của dạng tình yêu này và cách để phục hồi khi tình yêu không được đáp lại, cùng SoftenMind tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

5 dạng tình yêu đơn phương phổ biến

1. Phải lòng một người không thể tiến đến

Dạng tình yêu đơn phương này thường là phải lòng một ngôi sao điện ảnh, vận động viên chuyên nghiệp hoặc người nổi tiếng.

2. Phải lòng một người nhưng không thổ lộ

Có nhiều lý do khiến người yêu đơn phương không thổ lộ hoặc xây dựng mối quan hệ lãng mạn. Họ có thể có nỗi sợ tình yêu không được đáp lại, sợ phá vỡ mối quan hệ bạn bè thân thiết. Theo lý thuyết gắn bó, những người có gắn bó không an toàn dạng né tránh thường sợ mối quan hệ cam kết.

Ví dụ như trong loạt phim Sex Education của Netflix, nhân vật nam chính Otis phải lòng người bạn thời trung học của mình Mauve, nhưng chưa bao giờ bộc lộ tình cảm của mình.

3. Tiếp tục theo đuổi một người đã từ chối bạn

“Hãy yêu Jo cả đời, nếu bạn muốn, nhưng đừng để điều đó phá huỷ bạn. Vì thật xấu xa khi vứt bỏ quá nhiều món quà tốt chỉ vì bạn không thể có được thứ mình muốn” – Louisa May Alcott, Little Women (1868).

Câu nói này được trích từ cuốn tiểu thuyết kinh điển, Little Women, trong đó nhân vật nữ Amy March đưa lời khuyên cho nam chính Laurie. Trước đó, Laurie đã có tình yêu đơn phương và cầu hôn Jo (chị gái của Amy) nhưng bị từ chối.

4. Đơn phương nhớ về tình yêu cũ

Một người có thể trải qua dạng tình yêu đơn phương sau khi chia tay dù họ biết rằng người kia không phải là đối tượng phù hợp với mình.

Nhà nhân chủng học Helen Fisher gọi đây là “sự hấp dẫn gây thất vọng” – khi một người tiếp tục theo đuổi mối quan hệ đã kết thúc. Bà lý giải hiện tượng này bằng ví dụ cho một người nhìn vào bức ảnh của người mình yêu hoặc từng yêu có thể kích hoạt giải phóng chất dẫn truyền thần kinh dopamine và chất này có liên quan đến niềm vui.

5. Ở trong mối quan hệ tình yêu không cân bằng

Điều này có nghĩa là hai người dù ở bên nhau nhưng mức độ yêu thương dành cho nhau có sự chênh lệch. Tình yêu đơn phương này xuất phát từ mục đích, nhu cầu khác nhau ở những người khác nhau.

Có thể, bạn là người theo đuổi tình yêu cuồng nhiệt, say đắm nhưng đối phương chỉ muốn đáp ứng nhu cầu về sự an toàn và ổn định. Hoặc người nữ chỉ muốn thuộc về một mối quan hệ hẹn hò trong khi người nam lại không thể sống thiếu đối phương và định hướng tiến đến hôn nhân.

6 bước để phục hồi sau tình yêu đơn phương

Hãy đặt những câu hỏi sau cho bản thân và sau đó tự bạn có thể tìm kiếm câu trả lời.

1. “Đây có phải là khuôn mẫu dành cho tôi không?”

Bạn đã trải qua dạng tình yêu đơn phương kiểu này nhiều lần hay chưa. Nếu câu trả lời là có, khả năng cao bạn là người thích vướng vào một cuộc tình đơn phương.

Theo Bringle, khía cạnh tích cực của tình yêu đơn phương là nó “ít mãnh liệt về cảm xúc hơn so với tình yêu đôi lứa”. Vì vậy, có khả năng bạn yêu thích cảm giác theo đuổi người khác nhưng lại không muốn quá nhiều ràng buộc, rắc rối và cam kết khi trong một mối quan hệ.

2. “Tình yêu đơn phương có ích gì cho tôi?”, “Liệu tôi có tránh được nguy cơ bị từ chối/chia tay khi yêu chứ?”

Khi ở trong một tình yêu đơn phương quá lâu, lòng tự trọng của bạn có thể bị tổn thương bởi cảm giác không được đáp lại, không xứng đáng được yêu thương. Vì vậy, thay vì đuổi theo người khác, hãy nghĩ đến việc bạn có nhiều thời gian để chăm sóc bản thân.

3. Ngừng theo dõi và nghĩ về người đó

Những người có tình yêu đơn phương sẽ trải qua cảm giác thèm muốn, chịu đựng, rút ​​lui và tái nghiện, tương tự như trải nghiệm của những người có các hành vi gây nghiện khác (Fisher, 2015).

Vì vậy, hãy chấm dứt ngay nguồn cơn của việc “nghiện yêu đơn phương” bằng cách chuyển suy nghĩ và hành vi của bạn ra khỏi đối tượng đó. Bạn có thể bắt đầu bằng việc ngừng theo dõi họ trên mạng xã hội, tránh liên lạc hay suy nghĩ về họ,…

4. Đừng vội vàng bắt đầu mối quan hệ mới khi bạn chưa kịp phục hồi

Tương tự với bất kỳ sự thay đổi nào trong cuộc sống, quá trình phục hồi sau khi chia tay có thể mất tối thiểu 6 tháng hoặc lâu hơn. Trong lúc đó, hãy xây dựng mối quan hệ với bạn bè, gia đình hiện tại hoặc những người khác trong cộng đồng.

Ngoài ra, tham gia vào dịch vụ cộng đồng cũng là một cách hiệu quả để giảm sự tập trung vào bản thân và đáp ứng nhu cầu cảm xúc được thuộc về.

5. Gặp chuyên gia tâm lý nếu không thể tự phục hồi

Nếu bạn đang phải đối mặt với tiền sử bị bỏ rơi hoặc lạm dụng thời thơ ấu thì có thể bạn sẽ cần sự trợ giúp chuyên nghiệp để vượt qua những trải nghiệm ám ảnh đó.

Chấn thương gắn bó sớm là nguyên nhân phổ biến khiến bạn tìm kiếm một “mối quan hệ ràng buộc tưởng tượng” với một người không thể đạt được (Mellody, 2003).

6. Chấp nhận cảm xúc của từng cá nhân

Hãy cố gắng chấp nhận con người thật của người khác và rằng họ không thể cảm nhận được sự hấp dẫn dành cho bạn giống như bạn dành cho họ.

Thông thường, những người này cũng trải qua cảm giác thất vọng, tội lỗi và lo lắng khi từ chối bạn. Vì vậy, việc chấp nhận cảm xúc của chính bạn và cảm xúc của họ dành cho bạn cũng rất quan trọng để có thể phục hồi sau một mối tình đơn phương.

Tìm hiểu thêm: Khoa học về sự hấp dẫn của Pheromone

Theo Psychology Today

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top