CỬ CHỈ, TƯ THẾ VÀ KHOẢNG CÁCH TRONG NGÔN NGỮ CƠ THỂ

1.Cử chỉ

Cử chỉ có thể là một số tín hiệu ngôn ngữ cơ thể trực tiếp và rõ ràng nhất. Vẫy tay, chỉ tay và sử dụng các ngón tay để biểu thị số lượng đều là những cử chỉ rất phổ biến và dễ hiểu.

Tuy nhiên, một số cử chỉ có thể thuộc về văn hóa, do đó, việc giơ ngón tay cái hoặc ra dấu hiệu hòa bình ở một quốc gia khác có thể có ý nghĩa hoàn toàn khác nếu ở bối cảnh Hoa Kỳ.

Các ví dụ sau đây chỉ là một vài cử chỉ phổ biến và ý nghĩa có thể có của chúng:

  • Bàn tay nắm chặt có thể chỉ ra sự giận dữ trong một số tình huống hoặc sự đoàn kết ở những tình huống khác.
  • Ngón cái hướng lên hoặc xuống thường được sử dụng như cử chỉ tán thành và không tán thành.
  • Cử chỉ “okay”, được thực hiện bằng cách chạm ngón cái và ngón trỏ vào nhau theo hình tròn trong khi mở rộng ba ngón tay còn lại có thể được sử dụng để nói rằng “được” hoặc “đồng ý”.Tuy nhiên, ở một số vùng của Châu Âu, cử chỉ tương tự được sử dụng để ám chỉ rằng bạn chẳng là gì cả. Ở một số quốc gia Nam Mỹ, cử chỉ này lại là một cử chỉ thô tục.
  • Giơ ngón tay chữ V, được tạo ra bằng cách nhấc ngón trỏ và ngón giữa và tách chúng ra để tạo thành hình chữ V, chỉ hòa bình hoặc chiến thắng ở một số quốc gia. Ở Vương quốc Anh và Úc, cử chỉ này mang ý nghĩa xúc phạm nếu mu bàn tay hướng ra ngoài.

2. Cánh tay và chân

Cánh tay và chân cũng có thể hữu ích trong việc truyền tải thông tin phi ngôn ngữ. Khoanh tay có thể biểu thị sự phòng vệ. Bắt chéo chân trước người khác có thể cho thấy không thích hoặc không thoải mái với người đó.

Các tín hiệu tinh tế khác như mở rộng cánh tay rộng rãi có thể là đang tỏ ra to lớn hơn hoặc ra vẻ ra lệnh nhiều hơn trong khi giữ cánh tay gần cơ thể có thể là cố gắng để giảm cảm giác tồn tại của bản thân hoặc tránh gây sự chú ý.

Khi bạn đánh giá ngôn ngữ cơ thể, hãy chú ý đến một số tín hiệu sau mà cánh tay và chân có thể truyền đạt:

  • Khoanh tay có thể chỉ ra rằng một người cảm thấy phòng vệ, tự bảo vệ hoặc khép kín.
  • Đứng với hai tay chống hông có thể là dấu hiệu cho thấy một người đã sẵn sàng và kiểm soát được, hoặc cũng có thể là dấu hiệu của sự hung tính.
  • Chắp tay sau lưngc ó thể chỉ ra rằng một người đang cảm thấy buồn chán, lo lắng hoặc thậm chí là tức giận.
  • Gõ hoặc vuốt ve ngón tay rất nhanh có thể là một dấu hiệu cho thấy một người đang buồn chán, thiếu kiên nhẫn hoặc thất vọng.
  • Vắt chéo chân có thể chỉ ra rằng một người đang cảm thấy khép kín hoặc cần sự riêng tư.

3. Tư thế

Cách chúng ta giữ tư thế cơ thể cũng có thể là một phần quan trọng của ngôn ngữ cơ thể.

Thuật ngữ tư thế đề cập đến cách chúng ta giữ cơ thể của mình cũng như hình thức cơ thể tổng thể của một cá nhân.

Tư thế có thể truyền tải nhiều thông tin về cảm giác của một người cũng như tiết lộ một chút về các đặc điểm nhân cách, chẳng hạn như liệu một người có tự tin, cởi mở hay dễ bảo hay không.

Ví dụ, việc ngồi thẳng lưng có thể cho thấy một người đang tập trung và chú ý đến những gì đang diễn ra. Mặt khác, việc ngồi với cơ thể khom về phía trước có thể ám chỉ rằng người đó đang buồn chán hoặc thờ ơ.

Khi bạn đang cố gắng đọc vị ngôn ngữ cơ thể, hãy cố gắng để ý một số tín hiệu mà tư thế của một người có thể gửi đi.

  • Tư thế cởi mở: việc giữ cho thân thể luôn mở rộng và không che chắn gif. Kiểu tư thế này biểu thị sự thân thiện, cởi mở và sẵn sàng đón nhận.
  • Tư thế khép kín: giấu diếm phần thân của cơ thể, thường bằng cách khom người về phía trước và giữ cho cánh tay và chân bắt chéo. Kiểu tư thế này có thể là dấu hiệu của sự thù địch, không thân thiện và lo lắng.

4. Không gian cá nhân

Bạn đã bao giờ nghe ai đó đề cập đến nhu cầu liên quan đến không gian cá nhân của họ chưa? Bạn đã bao giờ bắt đầu cảm thấy khó chịu khi ai đó đứng quá gần bạn một chút chưa?

Thuật ngữ không gian giao tiếp (proxemics), do nhà nhân chủng học Edward T. Hall đặt ra, dùng để chỉ khoảng cách giữa mọi người trong khi tương tác. Cũng giống như các chuyển động của cơ thể và nét mặt có thể truyền đạt rất nhiều thông tin phi ngôn ngữ, thì không gian trên bề mặt vật lý giữa các cá nhân cũng vậy.

Hall đã mô tả bốn mức độ của khoảng cách xã hội xảy ra trong các tình huống khác nhau.

Khoảng cách thân mật: 15 đến 45cm

Mức độ khoảng cách vật lý này thường cho thấy mối quan hệ gần gũi hơn hoặc sự thoải mái hơn giữa các cá nhân. Nó thường xảy ra khi có những tiếp xúc thân mật như ôm, thì thầm hoặc chạm vào nhau.

Khoảng cách cá nhân: 0,5 đến 1,2 mét

Khoảng cách vật lý ở mức độ này thường xảy ra giữa các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Mọi người càng có thể thoải mái đứng gần nhau trong khi tương tác có thể là một chỉ số cho thấy mức độ càng thân thiết trong mối quan hệ của họ.

Khoảng cách xã hội: 1,2 đến 3,7 mét

Mức độ khoảng cách vật lý này thường được sử dụng với những cá nhân là người quen.

Với một người mà bạn biết khá rõ, chẳng hạn như đồng nghiệp mà bạn gặp vài lần một tuần, bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn khi tương tác ở khoảng cách gần hơn.

Trong trường hợp bạn không biết rõ về người kia, chẳng hạn như người chuyển phát bưu điện mà bạn chỉ gặp mỗi tháng một lần, khoảng cách từ 3 đến 3,7 mét có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn.

Khoảng cách công cộng: 3,7 đến 7,6 mét

Khoảng cách vật lý ở cấp độ này thường được sử dụng trong các tình huống nói trước đám đông. Nói chuyện trước một lớp học đầy sinh viên hoặc thuyết trình tại nơi làm việc là những ví dụ điển hình cho những tình huống như vậy.

Cũng cần lưu ý rằng mức độ khoảng cách cá nhân mà các cá nhân cần để cảm thấy thoải mái có thể khác nhau giữa các nền văn hóa.

Một trong những ví dụ có thể kể đến là sự khác biệt giữa những người từ các nền văn hóa Latinh và những người từ Bắc Mỹ. Những người từ các nước Latinh có xu hướng cảm thấy thoải mái hơn khi đứng gần nhau hơn khi họ tương tác trong khi những người Bắc Mỹ cần khoảng cách cá nhân hơn.

Lời kết

Hiểu ngôn ngữ cơ thể có thể giúp bạn giao tiếp tốt hơn với người khác và diễn giải được những gì người khác có thể đang cố gắng truyền đạt.

Mặc dù việc nhìn nhận từng cử chỉ phi ngôn ngữ một cách riêng biệt cũng khá hay ho, nhưng vẫn cần thiết phải xem xét các tín hiệu phi ngôn ngữ này liên quan thế nào đến ngữ cảnh giao tiếp bằng lời nói, các tín hiệu phi ngôn ngữ khác và tình huống phù hợp.

Bạn cũng có thể tập trung vào việc tìm hiểu thêm về cách cải thiện khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ của mình để trở nên tốt hơn trong việc cho mọi người biết bạn đang cảm thấy gì — mà không cần nói một lời.

Scroll to Top