Sự trì hoãn là một khái niệm quan trọng khi đề cập đến khía cạnh tâm lý trong công việc.
“Việc hôm nay nhưng vẫn để ngày mai”. Bạn có một “núi việc” phải hoàn thành ngay bây giờ, bạn ý thức rất rõ về sự hiện diện của nó nhưng hiện tại chưa có “cảm hứng” để làm. Thế là bạn gạt công việc sang một bên, lướt mạng xã hội một chút, chơi game một chút và cày phim một chút cho đến lúc bạn phát hiện thời gian còn lại của ngày không còn nhiều nhưng cũng không kịp để làm gì cả. Thế là bạn dời lại mọi thứ và quyết định sẽ hoàn thành nó vào ngày mai.
Có rất nhiều mục tiêu bạn trì hoãn từ ngày này qua tháng nọ hi vọng rằng “mình trong tương lai” sẽ thực hiện nó như tập thể dục, học ngoại ngữ hay theo đuổi một sở thích cá nhân. Bạn ý thực rõ rằng việc trì hoãn đang ngày một khiến bạn bị “tụt lại phía sau” nhưng không có cách nào để vượt qua chúng.
Tại sao sự trì hoãn luôn cám dỗ chúng ta và làm thế nào để vượt qua? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Sự trì hoãn là gì?
Trì hoãn là hành động cố tình hoãn lại một việc gì đó cho dù biết rằng điều đó có thể gây nên những hậu quả xấu hoặc làm ảnh hưởng đến người khác. Một trong những yếu tố lớn nhất góp phần vào sự trì hoãn là quan niệm rằng bạn phải có cảm hứng hoặc động lực để thực hiện một nhiệm vụ tại một thời điểm cụ thể.
Trì hoãn là cố tình hoãn lại một việc gì đó như xem tivi dù có deadline đến hạn
Tại sao bạn lại trì hoãn?
Trong đa phần các tình huống trì hoãn, ta thường đưa ra một số lời bào chữa nhằm “hợp lý hoá” hành vi của mình. Theo các nhà nghiên cứu, có 15 lý do chính khiến mọi người thường trì hoãn:
- Không biết cần phải làm gì
- Không biết phải làm thế nào để hoàn thành
- Không muốn làm điều gì đó
- Không quan tâm liệu điều đó có được thực hiện hay không
- Không quan tâm khi một cái gì đó được thực hiện
- Không cảm thấy có tâm trạng để làm điều đó
- Có thói quen đợi đến phút cuối cùng
- Tin rằng bạn làm việc tốt hơn dưới áp lực
- Nghĩ rằng bạn có thể hoàn thành nó vào phút cuối
- Thiếu sáng kiến để bắt đầu
- Hay quên
- Đổ lỗi cho bệnh tật hoặc sức khỏe kém
- Chờ đợi thời điểm thích hợp
- Cần thời gian để chuẩn bị cho việc đó
- Trì hoãn một việc này để làm một việc khác
Ta thường trì hoãn thực hiện một việc khó để làm một việc dễ dàng hơn
Làm thế nào để vượt qua sự trì hoãn?
May mắn thay, có một số điều khác nhau mà bạn có thể làm để chống lại sự trì hoãn và bắt đầu hoàn thành công việc đúng hạn. Dưới đây là 5 cách bạn có thể thực hành để vượt qua sự trì hoãn:
- Lập danh sách việc cần làm: Đặt ngày đến hạn cụ thể cho mỗi nhiệm vụ.
- Thực hiện từng bước nhỏ: Chia nhỏ một nhiệm vụ thành cách bước nhỏ để dễ dàng hoàn thành hơn.
- Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo: Chú ý đến bất kỳ suy nghĩ trì hoãn nào và cố gắng hết sức để chống lại nó. Nếu bạn bắt đầu nghĩ đến việc trì hoãn, hãy buộc bản thân dành vài phút để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
- Loại bỏ sự phân tâm: Hãy tự hỏi bản thân điều gì thu hút sự chú ý của bạn nhất, mạng xã hội, một bộ phim hay một cuộc vui với bạn bè. Hãy tránh xa những nguồn gây phân tâm đó.
- Tự thưởng cho bản thân: Khi bạn hoàn thành đúng hạn một mục trong danh sách việc cần làm, hãy tự thưởng cho bản thân để biến thành quả dài hạn thành những phần thưởng ngắn hạn.
Khích lệ bản thân bằng phần thưởng mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ sẽ giúp bạn có thêm động lực để hoàn thành những nhiệm vụ tiếp theo
Theo Verywell Mind