Bạn bắt đầu công việc hiện tại với rất nhiều mục tiêu và kỳ vọng. Mỗi ngày đi làm của bạn luôn tràn đầy hào hứng và ý tưởng mới. Thế nhưng chỉ sau một thời gian, mỗi sáng thức giấc là mỗi lần bạn hoài nghi về chính mình và công việc mình đang theo đuổi. Bạn lo âu, bồn chồn không vì lý do cụ thể nào và dần đánh mất phiên bản nhiệt huyết của bản thân những ngày đầu.
Hội chứng burnout hay hội chứng “cháy sạch” được xem là một hội chứng tâm lý thường gặp với những người trẻ chập chững bước vào môi trường làm việc, đặc biệt là thế hệ Millennials hay những Gen Z đời đầu bắt đầu cuộc sống của một “người lớn đi làm”.
Hãy cùng SoftenMind “đoán bệnh” burnout và những nguyên nhân gây ra hội chứng tâm lý này nhé!
Burnout là gì?
Burnout là trạng thái kiệt quệ về cảm xúc, tinh thần và thể chất thường do căng thẳng kéo dài hoặc lặp đi lặp lại. Dù burnout thường xảy ra bởi các tác nhân tại nơi làm việc, hội chứng này cũng có thể xuất hiện trong các lĩnh vực khác của cuộc sống như nuôi dạy con cái, chăm sóc hoặc trong các mối quan hệ.
Biểu hiện phổ biến của burnout
Sự hoài nghi, trầm cảm và thờ ơ là biểu hiện phổ biến khi một người không kiểm soát được cách thức thực hiện công việc, tại nơi làm việc hoặc ở nhà, hoặc được yêu cầu hoàn thành các nhiệm vụ mâu thuẫn với ý thức về bản thân của họ.
Nguyên nhân gây ra burnout
Thành tích không được công nhận, thiếu sự hỗ trợ, khối lượng công việc lớn hoặc thiếu sự chăm sóc bản thân là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng burnout. Đi kèm theo các triệu chứng tâm lý là các vấn đề thể chất như đau đầu, mệt mỏi, tiêu hoá, ăn nhiều hoặc lạm dụng chất kích thích.
12 giai đoạn bunrout, bạn đang ở đâu?
Nếu bạn đang cảm thấy kiệt sức trong công việc hoặc đột nhiên mất động lực để phấn đấu trong sự nghiệp của mình, hãy đo lường mức độ kiệt sức bằng thang đo 12 giai đoạn dưới đây. Đây là 12 giai đoạn burnout, được giới thiệu bởi hai nhà tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberge và Gail North – cha đẻ của thuật ngữ burnout:
- Tham vọng nhiều hơn trước là dấu hiệu đầu tiên. Bạn ám ảnh việc phải chứng tỏ bản thân là nhân viên giỏi nhất là người nhiệt tình và sẵn sàng chịu trách nhiệm nhất trong nhóm. Dấu hiệu này thường xuất hiện khi bản thân muốn đạt được nhiều thành tựu hơn trong công việc.
- Làm việc nhiều hơn. Chính vì mong muốn có được nhiều thành tựu hơn mà bạn dồn nhiều công sức hơn vào công việc mình đang làm. Người ngoài nhìn vào sẽ thấy bạn là một workaholic, một “kẻ nghiện việc” với sự nhiệt huyết và niềm đam mê dường như không bao giờ tắt.
- Bắt đầu thờ ơ với bản thân. Lúc này, chính vì muốn tận tâm tận lực làm việc nên những vấn đề thuộc về nhu cầu cá nhân bỗng trở nên không còn quan trọng nữa. Bạn ăn uống thất thường, đánh mất nhịp ngủ sinh học, thiếu giao tiếp xã hội với những mối quan hệ thân thiết.
- Những mâu thuẫn trong tâm trí bắt đầu xuất hiện. Những mâu thuẫn này có thể làm xuất hiện những cảm giác sợ hãi, lo âu hay bồn chồn không rõ lý do.
- Bỏ quên những giá trị khác trong cuộc sống như gia đình, bạn bè, người thân và sở thích chỉ để tập trung hết sức vào công việc của bản thân.
- Tìm cách đổ lỗi những vấn đề của bản thân là do những yếu tố khác như đồng nghiệp, áp lực thời gian, hay vì những tác nhân bên ngoài.
- Hạn chế tiếp xúc với những mối quan hệ xã hội, thậm chí gần như là tự cách ly bản thân với xã hội bên ngoài.
- Thay đổi tính cách, cách cư xử, thậm chí là phong cách sống. Và đây là lúc những người xung quanh có thể nhận thấy rõ ràng sự thay đổi của những người mắc phải hội chứng này.
- Không còn cảm nhận được những giá trị của bản thân và cả những người xung quanh. Một số người thậm chí còn cảm thấy cuộc sống của bản thân thật vô nghĩa.
- Cảm thấy trống rỗng. Người gặp phải hội chứng này bắt đầu thấy bản thân vô dụng và mệt mỏi. Cũng chính vì vậy mà họ sẽ dễ tìm đến những việc làm thái quá như ăn nhiều, lạm dụng chất kích thích.
- Buồn phiền, thất vọng và kiệt sức. Càng ngày, họ càng cảm thấy tuyệt vọng và không còn tin tưởng vào chính bản thân mình nữa.
- “Cháy sạch” là giai đoạn cuối cùng, khi một vài vấn đề tâm lý nghiêm trọng khác cũng như một vài dấu hiệu xấu về sức khỏe bắt đầu xuất hiện.
4 cách giúp bạn vượt qua hội chứng burnout
Mặc dù sự xuất hiện của hội chứng burnout có thể ảnh hưởng đến một số khía cạnh trong công việc và cuộc sống, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không ghi nhận burnout là một loại bệnh, mà là một hội chứng tâm lý. Điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều cách giúp bạn vượt qua hội chứng nào một cách dễ dàng.
Bước đầu tiên và quan trọng chính nhất là thừa nhận mình đang mắc phải hội chứng burnout, đồng thời tìm hiểu những phương pháp hữu hiệu giúp bạn thoát khỏi cảm giác “mất động lực” hay chán nản trong công việc.
1. Khoan nghĩ đến chuyện nghỉ việc
Nghỉ việc không phải là lựa chọn duy nhất để vượt qua hội chứng burnout. Hãy lên kế hoạch đối phó với tình trạng này ngay tại nơi làm việc bằng cách cơ cấu lại môi trường làm việc, sắp xếp lại công việc của mình, báo cáo về tình trạng của bạn và yêu cầu sự giúp đỡ khi công việc quá tải.
2. Vạch ra ranh giới trong công việc
Khi có quá nhiều đầu việc cần phải làm, bạn cần học cách nói không và ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng để giảm bớt khối lượng công việc. Lên lịch nghỉ giải lao thường xuyên, tuân thủ thời khoá biểu của bạn và giảm thiểu đa nhiệm để duy trì ranh giới và giảm cảm giác kiệt sức.
3. Cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Điều chỉnh giờ hoặc địa điểm làm việc, có thể thay bằng hình thức làm việc từ xa. Đặt ranh giới rõ ràng giữa “công việc” và “cuộc sống”, chẳng hạn như không kiểm tra email ngoài giờ làm việc, thực hành tự chăm sóc bản thân và dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý cũng là những chiến lược hữu ích.
4. Thực hành tự chăm sóc
Nghiên cứu cho thấy tự chăm sóc bản thân là một vũ khí hiệu quả trong cuộc chiến chống lại hội chứng burnout. Các hình thức chăm sóc bản thân phổ biến bao gồm yoga, thiền chánh niệm, massage, tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống hoặc rèn luyện sự cảm thông với bản thân.
Tổng hợp